Foxconn gây tranh cãi khi đầu tư lớn vào công ty bán dẫn Trung Quốc

Tập đoàn hàng đầu Đài Loan bỏ ra 800 triệu USD để mua lại một phần mảng bán dẫn của công ty chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup.
Foxconn muốn chuyển hướng sang mảng bán dẫn để tăng tỷ suất lợi nhuận
Foxconn muốn chuyển hướng sang mảng bán dẫn để tăng tỷ suất lợi nhuận

Foxconn là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Tập đoàn Đài Loan cũng là đơn vị tuyển dụng lớn nhất ở khu vực tư nhân tại Trung Quốc. Khoản đầu tư của Foxconn được công bố vào tháng trước và đưa tập đoàn này trở thành cổ đông lớn thứ hai ở Tsinghua Unigroup.

Nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận này đặt công ty Đài Loan vào trung tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng của Bắc Kinh với phương Tây.

Hôm 14/7, Foxconn thông báo mua lại cổ phần của Beijing Zhiguangxin Holding, cổ đông kiểm soát của Tsinghua Unigroup. Sau đó, Ủy ban đầu tư của Bộ Kinh tế Đài Loan cảnh báo Foxconn có thể bị phạt tới 25 triệu Đài tệ (832.000 USD) vì không gửi thông tin giao dịch để xin phép phê duyệt trước.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo tập đoàn cho rằng thoả thuận không vi phạm quy định bởi khoản đầu tư này thấp hơn mức trần mà Đài Bắc đặt ra cho Foxconn.

Khoản đầu tư ý nghĩa với Foxconn

Các nhà phân tích cho biết khoản đầu tư vào Tsinghua Unigroup có ý nghĩa với Foxconn, công ty vốn tập trung vào việc lắp ráp sản phẩm điện tử, điện thoại thông minh với tỷ suất lợi nhuận thấp. Động thái đầu tư mới cho thấy tập đoàn Đài Loan đang cố gắng củng cố mảng bán dẫn.

Young Liu, người đứng đầu bộ phận bán dẫn, từng đảm nhận vị trí chủ tịch Foxconn 3 năm trước, cam kết mở rộng lĩnh vực này để tăng biên lợi nhuận và tự chủ nguồn cung chip.

Ông bảo vệ thỏa thuận này trong cuộc họp với nhà đầu tư, cho rằng đây là “thương vụ đầu tư tài chính đơn thuần”, đem lại lợi ích cho công ty bởi một số chi nhánh của Tsinghua Unigroup là khách hàng và nhà cung cấp của Foxconn. “Tất nhiên chúng tôi sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý. Tập đoàn cũng có kế hoạch dự phòng”, ông này nói.

“Rõ ràng, khoản đầu tư này mang lại cho Foxconn giá trị gia tăng mà tập đoàn không có”, Patrick Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Đài Loan tại CLSA cho biết.

Tsinghua Unigroup phải bán mảng sản xuất chip trong quá trình tái cơ cấu nợ. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng rủi ro vẫn có thể xảy đến với Foxconn bởi dù phải từ bỏ một phần mảng bán dẫn, Tsinghua Unigroup vẫn được xem là chủ thể quan trọng trong kế hoạch của Bắc Kinh để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu chip.

Douglas Fuller, chuyên gia về chính sách công nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn cho biết: “Tsinghua Unigroup vẫn rất quan trọng. Unisoc, chi nhánh thiết kế chip của Tsinghua Unigroup, là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự chủ bán dẫn”.

Foxconn chi 800 triệu USD mua một phần bộ phận bán dẫn của Tsinghua Unigroup khiến các quan chức Đài Loan lo ngại, không muốn bị coi là giúp đỡ Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ. Khi Đạo luật bán dẫn được thông qua, Washington đang đẩy mạnh các sáng kiến để tăng cường sản xuất bán dẫn trong nước, làm việc với đồng minh và đối tác để kiểm soát “dòng chảy công nghệ” đến Trung Quốc.

Để tránh rủi ro về kinh doanh, Foxconn đang dần đa dạng hóa các dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Tuy vậy, 75% công suất sản xuất của tập đoàn Đài Loan vẫn nằm ở các nhà máy tại đại lục.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE