GDP quý 1 tăng trưởng thấp, kịch bản nào cho 3 quý còn lại để đạt cả năm 6,5%?

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 1/2023 ước tính tăng 3,32%, cách gần 2,3% so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, các quý còn lại phải có mức tăng trưởng bình quân là 7,5%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng gần như là thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023 và chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020.

Mức tăng trưởng 3,32% cũng thấp hơn gần 2,3% so với kịch bản tăng trưởng quý 1/2023 đạt 5,6% đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023. Đồng thời, thấp hơn dự báo của một số công ty chứng khoán như VNDirect dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6% trong quý đầu tiên của năm 2023 hay Chứng khoán Vietcombank dự báo tăng trưởng quý 1 khoảng 5%-5,4% và Chứng khoán Maybank dự báo tăng trưởng quý 1 khoảng 4,8%,...

Với mức tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 3,32%, các chuyên gia cho rằng áp lực tăng trưởng trong những quý còn lại sẽ rất lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

"Áp lực dồn lên 3 quý còn lại"

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng quý 1/2023 đạt 3,32%, con số này thấp hơn so với kịch bản được đưa ra trong Nghị quyết 01 (mức 5,6%). Do đó, để bù đắp cho mức hụt 2,3% này và đảm bảo tăng trưởng cả năm vẫn đạt mục tiêu 6,5% thì tăng trưởng bình quân các quý còn lại phải đạt 7,5%.

Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại của năm bình quân 7,5% là một thách thức rất lớn trong điều kiện thế giới đang rất khó khăn và trong nước do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, phụ thuộc vào các đơn hàng, nhưng các đơn hàng từ các đối tác thương mại lớn với Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản,... đang có sự suy giảm.

Dù vậy, cập nhật kịch bản tăng trưởng cả năm của cơ quan thống kê vẫn sẽ theo hướng giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% theo Nghị quyết 01.

Theo đó, với những khó khăn, thách thức trong quý 1 dự kiến còn kéo dài sang quý 2 thì cơ quan thống kê vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng quý 2 là 6,7% như Nghị quyết 01. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh giữa các khu vực, trong đó giảm ở khu vực công nghiệp và tăng khu vực dịch vụ.

Sang quý 3, quý 4 khi tình hình được cải thiện hơn, đặc biệt là dự báo khu vực công nghiệp sẽ phục hồi và khu vực dịch vụ cũng tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ khả quan hơn. Do đó, cơ quan thống kê điều chỉnh tăng chỉ tiêu GDP quý 3 thêm 1 điểm phần trăm (đạt 7,5%) và quý 4 thêm 0,9 điểm phần trăm (đạt 8%).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, động lực tăng trưởng vẫn phải dựa trên ba trụ cột là tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu.

Đối với trụ cột về đầu tư, năm nay là điểm rơi của đầu tư công trung hạn cũng như gói phát triển hạ tầng trong gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Tôi cho rằng đầu tư công sẽ đóng góp rất lớn trong tích lũy tài sản cố định và tài sản lưu động. Đây là một trong những động lực tăng trưởng mà Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực cũng như biện pháp để đẩy mạnh. Đầu tư sẽ là động lực nổi bật của tăng trưởng năm 2023 và các quý còn lại của năm.

Về trụ cột tiêu dùng cuối cùng của dân cư, sau hơn hai năm đại dịch, khu vực tiêu dùng của dân cư cũng sẽ phục hồi và tăng trưởng, nhất là du lịch nội địa tăng mạnh. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động cũng tăng lên, nhất là từ tháng 7 tới, Chính phủ cũng sẽ tăng lương cho khối nhà nước, khi thu nhập tăng lên, tiêu dùng cuối cùng của người dân cũng sẽ tăng lên và đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Còn về trụ cột xuất khẩu, khi các nước trên thế giới phục hồi và công nghiệp phục hồi thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự cải thiện. Cùng với đó, du lịch quốc tế của Việt Nam cũng tăng rất mạnh trong thời gian qua - đây là phần tính vào xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam. Xuất khẩu dịch vụ trong quý 1 đã tăng rất cao, bằng 3,4 lần so với quý 1/2022 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

"Tăng trưởng cả năm khó đạt 6,5%"

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính

Tăng trưởng GDP quý 1 có thể thấy là khá thấp, phản ánh nền kinh tế đang gặp khó khăn, nguyên nhân một phần từ bên ngoài do các nước thắt chặt tiền tệ và cầu tiêu dùng sau giai đoạn bùng nổ hậu COVID cũng chững lại khiến cho các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Trong nước, nguyên nhân một phần liên quan đến khó khăn của ngành bất động sản dẫn đến một loạt ngành sản xuất ăn theo thị trường này cũng bị sụt giảm.

Nói chung gần như tất cả các yếu tố cầu thành của tổng cầu đều yếu, tiêu dùng cũng yếu, đầu tư cũng chưa được như kỳ vọng.

Mức tăng trưởng quý 1 thấp cũng sẽ gây áp lực lớn đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm 2023. Thậm chí, mục tiêu này sẽ khó đạt được bởi phía trước kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái. Lạm phát tại các nước phát triển mặc dù đã đạt đỉnh nhưng giảm tương đối chậm nên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất phải chờ một thời gian nữa.

Ngoài ra, một số bất ổn trong hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ cũng sẽ khiến triển vọng kinh tế của Mỹ và các quốc gia châu Âu khó khả quan.

Trong khi đó, tác động từ sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc đến Việt Nam, nhất là xuất khẩu cũng sẽ khó đạt kỳ vọng khi mà sự hồi phục từ phía Trung Quốc chưa rõ ràng.

Còn trong nội tại, động lực tăng trưởng lớn nhất hiện nay là phải cố gắng đẩy nhanh đầu tư công. Thứ nữa, là phải sớm khắc phục và tháo gỡ được khó khăn của thị trường bất động sản, để các doanh nghiệp có thể huy động được vốn và phục hồi hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Nhưng bản thân thị trường bất động sản lúc này một mặt cần được nhà nước tháo gỡ về cơ chế, song một mặt bản thân doanh nghiệp cũng phải tự giải quyết khó khăn của mình.

Nói chung tất cả các khó khăn đòi hỏi phải có thời gian để tháo gỡ, nên có thể quý sau vẫn chưa thể giải quyết được, nửa năm sau sẽ tốt hơn nhưng lúc đó cũng phải lưu ý khả năng kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Như vậy, khả năng tăng trưởng GDP của năm 2022 sẽ khó đạt được mức 6,5%, còn thấp hơn bao nhiêu vẫn chưa thể nói trước được.

Trong báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 công bố hồi giữa tháng 3, World Bank (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 ở mức 6,3%.

Theo đó, động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, song yếu tố này dự kiến bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (bình quân 4,5%) trong năm 2023.

WB cho rằng với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu) có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu.

Ngoài ra, WB cho rằng việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Việt Nam, vốn đang gặp phải những điểm yếu trong cân đối kế toán ở khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hợp phần đầu tư trong chương trình hỗ trợ phục hồi đã được thông qua. Cùng với đó là một chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE