Giá dầu khép lại tuần sụt mạnh

Đồng USD tăng giá khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác. Chỉ số đồng USD không có nhiều thay đổi trong ngày nhưng đã có 4 tuần tăng.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi mà sự cố tràn dầu tại cảng Basra của Iraq dường như đã cản trở hoạt động cung cấp dầu. Tuy nhiên nếu tính cả tuần, giá dầu vẫn giảm bởi những nỗi lo sợ về khả năng lãi suất cao sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu.

Đóng cửa phiên giao dịch, trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai ở mức 91,35USD/thùng tương đương mức tăng khoảng 51 cent so với cuối phiên liền trước. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1 cent và đóng cửa tại mốc 85,11USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu giảm gần 2% trong tuần, chịu ảnh hưởng bởi sự mạnh lên của đồng USD. Đồng USD tăng giá khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác. Chỉ số đồng USD không có nhiều thay đổi trong ngày nhưng đã có 4 tuần tăng trong 5 tuần gần nhất.

Tính từ đầu quý 3/2022 cho đến nay, cả giá dầu Brent và giá dầu WTI giảm khoảng 20% và như vậy có quý sụt giảm tệ hại nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020.

Xuất khẩu dầu từ cảng Basra của Iraq đang dần được nối lại sau khi bị ngưng lại vào tối trước đó do sự cố tràn dầu, theo công bố của công ty dầu Basra.

Sự cố tràn dầu diễn ra tại khu cảng vốn có 4 khu vực trung chuyển và có thể xuất khẩu đến 1,8 triệu thùng dầu/ngày đã đẩy cao giá dầu bởi triển vọng nguồn cung toàn cầu thấp hơn.

Chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC ở New York, ông John Kilduff, nói: “Rõ ràng những gì đang diễn ra đã tạo ra cảm giác khan hiếm trên thị tường bởi báo cáo ban đầu cho thấy hoạt động vận chuyển dầu có thể ngưng lại trong một thời gian”.

Nhà đầu tư đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng lãi suất cơ bản tại Mỹ sẽ tiếp tục được nâng mạnh, kết quả suy thoái kinh tế sẽ xảy ra và nhu cầu nhiên liệu đi xuống. Fed nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cho vay qua đêm thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp bàn chính sách vào ngày 20 và 21/9/2022.

Chuyên gia thuộc quỹ Ritterbusch and Associates, ông Jim Ritterbusch, nhận định: “Khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn được phản ánh rõ ràng vào diễn biến trên thị trường chứng khoán trong thời gian ganà đây, sẽ có thể hạn chế việc giá dầu tăng trong tháng sau và sau đó nữa”.

Thị trường đồng thời cảm thấy lo lắng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo về khả năng nhu cầu dầu không tăng trưởng trong quý 4/2022 do triển vọng nhu cầu yếu đi tại Trung Quốc.

“Cả IMF và WB đều cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm sau. Đây có thể coi như thông tin xấu về phía nhu cầu dầu, nó được đưa ra một ngày sau khi IEA dự báo về nhu cầu dầu”, chuyên gia phân tích tại PVM – ông Stephen Brennock chỉ ra.

“Nỗi sợ suy thoái kết hợp với lãi suất tại Mỹ cao đã tạo ra kỳ vọng bi quan về nhu cầu dầu”, ông Brennock nhấn mạnh.

Một số chuyên gia phân tích khác nói rằng tâm lý bi quan mới đây nhất có thể xuất phát từ dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ về việc cơ quan này sẽ không bù đắp cho dự trữ chiến lược quốc gia (SPR) cho đến sau năm tài chính 2023.

Về phía nhu cầu, thị trường đón nhận yếu tố hỗ trợ từ việc xuất khẩu suy giảm khi nguồn cung dầu của Iran trở lại thị trường bởi quan chức các nước phương Tây giảm dự báo về khả năng sẽ có thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Giá dầu sẽ có thể được hỗ trợ trong quý 4/2022 nếu các nước thành viên OPEC+ giảm quy mô sản xuất, điều này sẽ được bàn đến trong cuộc họp của nhóm vào tháng 10/2022. Châu Âu đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng do những yếu tố bất ổn liên quan đến dầu và khí đốt.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE