Giá xăng dầu cao nhất mọi thời đại: Lại nóng chuyện giá trần vé máy bay

Theo các hãng hàng không, trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng quá cao, việc giữ giá trần vé máy bay là không còn phù hợp.
Giá xăng dầu cao nhất mọi thời đại: Lại nóng chuyện giá trần vé máy bay

Thị trường nhiên liệu từ đầu năm đến nay chứng kiến sự tăng sốc, ở kỳ điều hành gần nhất, giá xăng E5 RON 92 đã tăng lên mức 31.300 đồng/lít; Giá xăng RON 95-III là 32.870 đồng/lít; Giá dầu diesel ở mức 30.010 đồng/lít; Dầu hoả ở mức 28.780 đồng/lít; Dầu mazut là 20.730 đồng/kg.

Đây là đợt tăng giá xăng dầu lần thứ 7 liên tiếp kể từ ngày 21/4. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III tăng 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng, lập kỷ lục mọi thời đại.

Từ đầu năm đến nay, có thời điểm giá dầu thế giới lên tới 161 USD/thùng, trong khi giá bình quân 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng. Mức chênh lệnh quá lớn này khiến các hãng hàng không tốn thêm rất nhiều chi phí mà tăng giá vé là một giải pháp bắt buộc.

Hiện nay, giá vé máy bay trong dịp cao điểm hè đã tăng chóng mặt, khiến mức giá của các hạng vé thương gia (có nhiều dịch vụ đi kèm) thậm chí vượt qua mức giá trần mà Bộ GTVT quy định.

Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP.HCM hạng phổ thông hiện giao động khoảng 3-5 triệu đồng/vé, giá vé hạng thương gia giao động từ 8-17 triệu đồng.

Mức giá này đã tăng 20-50% so với thời điểm vắng khách do dịch COVID-19 nhưng theo các hãng hàng không, việc tăng giá chưa đủ để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng cao.

KIẾN NGHỊ NỚI HOẶC BỎ TRẦN VÉ MÁY BAY

Theo hãng hàng không Bamboo Airways, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 30 – 42% trong giá thành vận tải hàng không. Do đó, việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của tất cả các hãng hàng không.

Với vai trò đầu tàu của dây chuyền cung cấp dịch vụ hàng không, khi phục hồi và mở rộng khai thác, các hãng hàng không sẽ tạo doanh thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khách như cảng hàng không, điều hành bay, xăng dầu, dịch vụ mặt đất, suất ăn…

Bởi vậy, ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến các hãng bay cũng chính là tạo khó khăn chung cho các doanh nghiệp trong toàn ngành hàng không, đại diện hãng hàng không này cho biết.

Ngành hàng không được kì vọng dẫn đầu làn sóng phục hồi sau dịch, tuy nhiên các hãng bay với gánh nặng phí nhiên liệu tăng liên tục chưa đạt sự tăng trưởng như mong đợi.

Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào đầu tháng 5/2022, Cục Hàng không Việt Nam cũng nhận định dự kiến 2022, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Thậm chí, nếu giá nhiên liệu bay tiếp tục leo thang, nhiều hãng hàng không sẽ lỗ sâu nếu không sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bamboo Airways đề xuất cần xem xét điều chỉnh giá trần trong thị trường nội địa, điều chỉnh phụ thu nhiên liệu trên các đường bay quốc tế. Đồng thời, Bamboo Airways cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm 100% thuế môi trường được áp dụng trong giá nhiên liệu.

Tương tự Bamboo Airways, Vietnam Airlines cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa và cho phép các hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu với các chặng bay nội địa theo thông lệ của hàng không quốc tế trước đây khi giá nhiên liệu biến động.

Theo Vietnam Airlines, do chi phí xăng dầu tăng cao, chi phí năm 2022 của hãng dự kiến sẽ tăng mức 5.000 - 7.000 tỷ đồng.

"Việc điều chỉnh này không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà tạo điều kiện thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, một mặt bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác cải thiện chất lượng dịch vụ", Vietnam Airlines kiến nghị.

Một hãng bay khác là Vietravel Airlines cũng kiến nghị về giá trần. Tuy nhiên, hãng này đề nghị bỏ quy định giá trần vé máy bay đối với những đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia để tạo điều kiện cho ngành hàng không phát triển.

Lý giải về đề xuất này, Vietravel Airlines cho biết, việc áp giá trần vé máy bay nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tránh trường hợp hãng bay độc quyền và bán vé quá cao. Với các đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia, tính cạnh tranh đã được đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần sẽ giúp các hãng hàng không, trong đó có Vietravel Airlines có cơ hội nâng cao hơn chất lượng dịch vụ của mình. Trong giai đoạn du lịch cao điểm, các đường bay sẽ được khai thác lệch đầu. Việc khống chế giá trần khiến các hãng hàng không khó cân đối được hiệu quả khai thác hai chiều của đường bay, Vietravel Airlines cho biết.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT tăng mức giá trần.

Cụ thể, đường bay từ 500-850km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (2,27%); từ 850-1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (3,58%); từ 1.000-1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (6,25%); từ 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (6,67%).

GIỮ GIÁ TRẦN KÉO THEO HÀNG LOẠT HỆ LUỴ

Theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Đại học Bách khoa TP.HCM, mục đích của giá trần đối với vé máy bay vốn là để đảm bảo quyền lợi cho hành khách nhưng trong giai đoạn cạnh tranh như hiện nay, việc giữ giá trần chưa chắc còn phù hợp.

"Từ năm 2006 khi có Luật Hàng không dân dụng, Quốc hội quyết định phải có giá trần để duy trì lợi ích cho nhiều tầng lớp nhân dân được sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không trong nước. Nhà nước phải điều tiết, không được cho giá vượt quá trần", TS. Tống cho biết.

Cũng theo ông Tống, năm 2014 khi sửa Luật Hàng không, đề xuất bỏ giá trần vé máy bay không được Quốc hội thông qua vì lý do phải đảm bảo lợi ích của hành khách đi lại. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, khi có nhiều hãng hàng không, mỗi chuyến bay với vài trăm ghế cũng có rất nhiều mức giá khác nhau thì việc quy định giá trần có thật sự bảo vệ lợi ích khách hàng hay không.

"Nhiều hãng hàng không cạnh tranh với nhiều giá vé khác nhau thì nên bỏ giá trần. Bởi nếu giá cao mà chất lượng phục vụ kém thì hãng hàng không đó cũng sẽ không thể cạnh tranh nổi. Đồng thời, có những hành khách muốn trả giá vé cao hơn để được phục vụ tốt nhưng giá trần đang làm mất đi cơ hội đó và làm thiệt hại cho loại hành khách hạng sang này", TS. Tống cho biết.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này, nếu không có giá trần thì có hãng máy bay mở tuyến đường bay mới với giá vé cao mà người mua bằng lòng chi trả và hãng máy bay không phải chịu lỗ thì cũng phù hợp hành khách tiếp cận đường bay mới. Từ đó, khi lượng khách tăng dần, có nhiều hãng hàng không vào khai thác, giá vé máy bay sẽ cạnh tranh hơn.

"Lợi ích hành khách được đảm bảo khi họ có thể lựa chọn giữa đi đường bộ tốn thời gian mà giá rẻ với đi đường hàng không nhanh chóng mà giá đắt. Khung giá trần làm thiệt hại lợi ích hành khách vì không có đường bay cho họ lựa chọn, ngay cả khi khẩn cấp cứu thương", ông Tống nói.

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE