Giải pháp chế ngự những "chuyến tàu lượn siêu tốc" trên thị trường năng lượng

Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố báo cáo triển vọng năng lượng năm 2023, trong đó nhận định thị trường năng lượng sẽ trải qua một năm tăng trưởng chậm và giá cả tăng cao trong năm 2023.
Hệ thống đường ống của Trạm trung chuyển khí đốt OGE ở Werne, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Hệ thống đường ống của Trạm trung chuyển khí đốt OGE ở Werne, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, các chính phủ trên khắp thế giới đã sẵn sàng thực hiện một loạt biện pháp để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đang diễn biến trầm trọng.

Tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm tới

Trong báo cáo triển vọng năng lượng năm 2023, EIU dự đoán tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm tới.

Con số này, mặc dù nhỉnh hơn một chút so với ước tính tăng trưởng 0,9% của năm 2022, nhưng vẫn cho thấy xu hướng nhu cầu yếu. Ngoài ra, việc các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu và khí đốt của Nga có hiệu lực đầy đủ vào dịp Năm mới sẽ khiến nhu cầu nhập năng lượng từ những nơi khác tăng và đẩy giá lên cao hơn.

Tuy nhiên, để đánh giá cụ thể về tương lai, cần nhìn lại thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng vào năm 2021.

Nga, nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới, đã bắt đầu giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu nhiều tháng trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Đến tháng 2/2022, việc Nga chính thức thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine càng trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Việc châu Âu, nơi tiêu thụ 1/4 năng lượng từ Nga mỗi năm, đang tìm cách thay thế khí đốt của "xứ Bạch dương", đã khiến giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu của Mỹ, Australia và Qatar tăng vọt.

Điều này dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng ở một loạt thị trường nội địa, trong đó Australia là ví dụ rõ nét nhất.

Vào tháng 7/2022, Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) đã công bố một báo cáo về nguồn cung khí đốt của Australia và dự đoán rằng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong năm 2023.

Báo cáo cho thấy các nhà xuất khẩu khí lớn của Australia đang ưu tiên thị trường châu Âu và châu Á hơn thị trường trong nước. Trong năm 2023, ACCC dự báo 33.124 mét khối khí đốt sẽ được xuất khẩu theo hợp đồng dài hạn với người mua ở nước ngoài.

Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb cho biết: "Ngày càng có nhiều nhà xuất khẩu LNG chuyển phần lớn lượng khí dư thừa sang nước ngoài. 70% lượng khí dư thừa tại Australia đã được xuất ra nước ngoài trong những năm gần đây".

Các chính phủ vào cuộc

Theo Ủy ban Pháp chế Kinh tế, giá điện bán buôn tại Australia trong năm 2022 đã tăng gần gấp ba lần so với năm ngoái, trong khi giá khí đốt bán buôn tại các bang phía Đông của nước này cũng cao hơn gấp đôi so với mức trung bình trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, thậm chí còn đạt đến mức mà những người sử dụng khí đốt trong nước không sẵn sàng chi trả.

Trên thế giới, để giảm bớt tác động tiêu cực từ những điều kiện tương tự, các chính phủ đã bắt đầu can thiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc hạn chế giá tiêu dùng và sau đó trả khoản chênh lệch cho các nhà cung cấp năng lượng.

Tại Australia, chính phủ đã công bố 4 biện pháp chính để giải quyết tác động của việc tăng giá do áp lực năng lượng toàn cầu đối với các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà sản xuất.

Điều này bao gồm áp trần giá khẩn cấp ở mức 12 USD cho mỗi 25,5 mét khối khí đốt trong 12 tháng đối với doanh số bán khí đốt bán buôn mới của các nhà sản xuất ở bờ biển phía Đông.

Ngoài ra, Thủ tướng Anthony Albanese cũng nhắc lại cam kết của các Bộ trưởng Năng lượng trong việc thực hiện Kế hoạch Đầu tư vào Năng lực. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp giải phóng khoảng 10 tỷ USD đầu tư công và tư vào việc tạo ra nguồn năng lượng sạch và có thể lưu trữ.

Ngoài ra, kế hoạch này cũng được thiết kế để đảm bảo nguồn cung điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng, đồng thời bảo vệ Australia trước xu hướng giá than và khí đốt tăng cao trong trung và dài hạn.

Tất nhiên, Australia không phải là quốc gia duy nhất nỗ lực thúc đẩy an ninh năng lượng. Cả hai kế hoạch RePowerEU của EU, do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hồi tháng 5 nhằm loại bỏ phụ thuộc vào năng lượng của Nga thông qua hợp tác với các nhà cung cấp khác bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, và Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ (IRA), trị giá 430 tỷ USD nhằm giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, đều có các sáng kiến lớn để phát triển hiệu quả năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Về cơ bản, năm 2023 sẽ không phải là một năm dễ dàng với thị trường năng lượng toàn cầu, khi sự biến động ngày càng tăng và không có dấu hiệu ổn định.

Tuy nhiên, mọi thứ chưa hẳn đã là vô vọng, khi các chính phủ cũng như người tiêu dùng đã lên phương án tìm kiếm những công cụ khác nhau để giúp "chế ngự những chuyến đi tàu lượn siêu tốc trên thị trường năng lượng".

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE