Giảm sâu trong quý 1, xuất khẩu thủy sản kỳ vọng phục hồi trong quý 2

Dù dự tính “điểm rơi” tác động lạm phát sẽ vào đầu năm 2023, và đã có những bước chuẩn bị cho quý 1/2023 thông qua sự sụt giảm trong cuối năm 2022. Song, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 chỉ đạt 1,85 tỷ USD, giảm đến 27% so với cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng giảm theo.

Kỳ vọng từ quý 2/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ dần phục hồi

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với tháng 3/2022. Ước xuất khẩu quý 1/2023 đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý 1/2022.

Trong tháng 3, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: Tôm giảm đến 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực và bạch tuộc giảm 8%, song, các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả quý 1/2023, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, giảm 32% và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD so với cùng kỳ. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ đạt 54 triệu USD.

Nhận định xu hướng thị trường của một số sản phẩm thủy sản chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý 2 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Theo đó, mặt hàng tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau COVID-19. Các loài cá biển tiếp tục tăng, trong đó có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu như cá hồi, cá tuyết cod, cá minh thái.

Tại các thị trường lớn như EU, Mỹ đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống cho người tiêu dùng châu Á và xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.

“Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh cũng gay gắt hơn vì các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước”, bà Hằng phân tích.

Từ thực tế biến động thị trường, Giám đốc Truyền thông VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu.

Với Trung Quốc ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập hàng cho các siêu thị châu Á, và các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á như: Hàng khô, nước mắm, mắm ruốc… vẫn đang hút khách.

Thủy sản Việt có nhiều lợi thế trước xu hướng tiêu dùng thủy sản thế giới

Trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong các quý còn lại giải pháp tốt nhất là tăng sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và đáp ứng xu hướng tiêu dùng thế giới.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, ngay từ quý 3/2022, các doanh nghiệp đã nhận thức được những khó khăn của năm 2023 sẽ lớn hơn năm 2022, và có những điều chỉnh liên quan đến kế hoạch sản xuất, những giải pháp mang tính cầm cự để duy trì sản xuất chờ đợi thị trường ấm lên, bởi dù sao thủy sản vẫn làm mặt hàng thực phẩm thiết yếu khi tồn kho đã cạn trong một thời gian thì chắc chắn thị trường sẽ hồi phục.

Do vậy, VASEP đã đưa ra một giải pháp chung khuyến nghị các doanh nghiệp cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất trong giai đoạn cuối năm 2022 và quý 1/2023. Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 trụ cột, đó là sản phẩm phải an toàn cao, tốt cho sức khỏe và thân thiện môi trường. Đặc biệt, cần lưu ý xu hướng tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm.

“Trong khi các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador tập trung vào sản phẩm sơ chế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản phải nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, và những kết quả đạt được trong thời gian qua là nhờ các doanh nghiệp chú trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao”, Tổng thư ký VASEP nói.

Mặt khác, xu hướng tiêu dùng thế giới đang tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Vì thế, ngành thủy sản cần phát triển theo mô hình kinh tế xanh, chú trọng nuôi trồng bền vững, như mô hình tôm lúa, tôm rừng… tạo các sản phẩm nuôi bền vững thuyết phục khách hàng thế giới. Chú trọng chế biến các sản phẩm mới từ các phụ phẩm, tăng tính cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

“Xu hướng tiêu dùng thủy sản của thế giới là tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đối với xu hướng này Việt Nam đang có nhiều lợi thế”, Tổng thư ký VASEP nói.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE