Giảm thuế xăng dầu: Chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa đủ

Liên quan đến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ giảm mỗi thuế BVMT là chưa đủ.
Giảm thuế xăng dầu: Chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa đủ

Kể từ 15h chiều 21/6, giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 190 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít. Giá dầu tăng 380-990 đồng/lít, trong đó dầu diesel tăng mạnh nhất 990 đồng/lít, dầu hoả tăng 950 đồng/lít và dầu mazut tăng 380 đồng/lít.

Sau khi điều chỉnh, giá bán xăng dầu tiến sát mốc 33.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 là 31.300 đồng một lít; Giá xăng RON 95-III là 32.870 đồng một lít; Giá dầu diesel ở mức 30.010 đồng; Dầu hoả ở mức 28.780 đồng/lít; Dầu mazut là 20.730 đồng/kg.

Đây là đợt tăng giá xăng dầu lần thứ 7 liên tiếp kể từ ngày 21/4. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III tăng 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Trước mức giá cao kỷ lục mọi thời đại, Bộ Tài chính đã có đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu, tuy nhiên theo các chuyên gia, chỉ giảm mỗi thuế BVMT là chưa đủ để hạ nhiệt.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, với giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, việc giảm tiếp thuế BVMT như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này.

"Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, "van" quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được, còn "van" thuế, chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế BVMT" , ông Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh nếu chỉ giảm thêm 1.000 đồng thuế BVMT thì không có nhiều tác dụng.

Hiện nay, ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít bán ra đang có 3 loại thuế khác, gồm: GTGT (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB, 10%). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị cần giảm thêm các loại thuế như GTGT, nhập khẩu, TTĐB thì mới góp phần hạ giá xăng dầu một cách đáng kể.

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, việc giảm thuế phí đối với xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới tăng cao là hỗ trợ có thời hạn nhưng cần làm ngay, vì vậy cần có sự linh hoạt.

"Có thể cân nhắc giảm các loại thuế phí trong 1 tháng hay 3 tháng, tùy theo tính toán cụ thể", TS. Võ Trí Thành nêu đề xuất.

"Bên cạnh đó, việc giảm thuế với xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nên cần đảm bảo bền vững ngân sách trong bối cảnh vẫn cần dành nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nguyên tắc ở đây là tính đến những kịch bản lạm phát để từ đó có mức giảm vừa đủ", ông Thành nói.

Ông Thành dẫn chứng ở Thái Lan vừa qua giảm một nửa thuế tiêu dùng đặc biệt nhưng cho 3 tháng. Thêm nữa là vừa qua có nguồn thu do chênh lệnh giữa giá dự toán (trong đó có xăng dầu) và giá xăng dầu thực thế giới tăng, có thể dùng để hỗ trợ.

Vấn đề hiện nay là cân nhắc giảm các loại thuế phí ở mức độ nào. Và mặc dù giá xăng dầu có phần hạ nhiệt nhưng vẫn có thể là cao với nhóm người yếu thế, vậy có cần có chính sách hỗ trợ họ hay không?, TS. Thành đặt vấn đề.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính về đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trả lời Công văn số 5796/BTC-CST ngày 17/06/2022 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, VCCI đồng tình với đề xuất giảm thuế BVMT từ Bộ Tài chính, tuy nhiên cơ quan này cũng đặt vấn đề vì sao không lựa chọn phương án giảm thuế nhập khẩu dù thẩm quyền thuộc về Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7/2022.

Theo VCCI, việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu là rất cần thiết và cấp thiết, nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Trong các loại thuế, phí hiện đang áp dụng với mặt hàng xăng dầu, việc cắt giảm thuế BVMT có ưu điểm là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Nếu lựa chọn cắt giảm TTĐB hoặc thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.

Tuy nhiên, về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI cho rằng, dự thảo tờ trình từ Bộ Tài chính chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7/2022.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế BVMT đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu) tăng mạnh.

Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các thuyết minh về tác động tổng thể này giúp cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để ra quyết định, VCCI kiến nghị.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE