Giảm VAT 2%: Sẽ không áp dụng cho ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản

Tại tờ trình ngày 15/5, Chính phủ đã trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, nhưng trừ nhóm hàng bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15/5, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp cuối tuần qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho năm 2023.

Đáng chú ý, tại tờ trình lần này, Chính phủ dự kiến sẽ không giảm thuế 2% với tất cả các nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% - tương tự chính sách đã áp dụng của năm 2022.

Theo đó, việc giảm thuế VAT sẽ không được áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với đề xuất mới này, ước tính, ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay, tức giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ về 8%

Động thái trên đưa ra trong bối cảnh quý 1/2023, GDP tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra (5,6%). Tăng trưởng chủ yếu ở khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản, còn công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc với công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng; khiến đời sống lao động gặp nhiều khó khăn.

Quốc hội không tán thành mở rộng phạm vi

Hôm 13/5, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.

Như vậy, đề xuất này đã mở rộng diện hàng hóa, dịch vụ giảm thuế VAT đã được áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cũng theo ông Phớc, với mức giảm 2%, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên họp này, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho biết không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo nghị quyết số 43. Bởi việc giảm thuế VAT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn.

Trong đó, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Vân Chi, cơ quan thẩm tra cho rằng hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định, phạm vi áp dụng nên theo nghị quyết 43 bởi khi đó Quốc hội đã tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, thu ngân sách năm 2023 dự kiến sẽ rất khó khăn, nên việc mở rộng diện giảm thuế phải rất cân nhắc.

Theo ông Huệ, giảm thuế để kích cầu nhưng giai đoạn này khác với giai đoạn trước, khác với sau đại dịch là nén không chi tiêu. Vì vậy cần cân nhắc. "Đồng ý cần giảm thuế nhưng phạm vi áp dụng nên như cũ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngày 2/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP về đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội, liên quan việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5/2023.

Theo đó, tại Nghị quyết này, Chính phủ đã quyết nghị thông qua thông qua đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT như đề nghị của Bộ Tài chính, tại tờ trình số 70/BTC-CST ngày 28/4. Tại tờ trình, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng 10% (còn 8%).

Thời gian áp dụng dự kiến là kể từ khi chính sách được ban hành đến hết năm 2023. Bộ Tài chính cũng ước tính, số giảm thu NSNN do chính sách dự kiến vào khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE