Hà Nội phấn đấu xây dựng lại 3 chung cư cũ trong 3 năm tới

Đợt 1, Hà Nội tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch hành động đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị, góp phần phát triển đô thị và kinh tế đô thị toàn thành phố trong giai đoạn tới.

Theo kế hoạch trên, việc tổ chức thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, gồm: Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ; phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý 4/2023; Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; phấn đấu hoàn thành trước quý 4/2023; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố - đợt 1, tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc thẩm quyền của thành phố; trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố; dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022.

Thẩm định, đánh giá công tác kiểm định chung cư cũ; thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, kịp thời giải quyết, xử lý các nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại, nhà chung cư xuống cấp.

Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Ban Chỉ đạo giao UBND cấp huyện chủ trì tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ năng lực của các nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tổ chức lấy ý kiến lựa chọn chủ đầu tư; tổ chức phê duyệt phương án bồi thường; lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

Ban Chỉ đạo giao UBND cấp huyện chủ trì thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức di dời theo phương án đã được phê duyệt; tổ chức cưỡng chế với các trường hợp phải thực hiện cưỡng chế di dời; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cập nhật dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954, hầu hết đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp.

Trong giai đoạn từ năm 2005-2014, Hà Nội đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật ở nhà 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả.

Như vậy, sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ của thành phố.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE