Hà Nội thông xe hầm chui thứ 4 có vốn đầu tư 700 tỷ đồng

Hầm chui Lê Văn Lương được thông xe ngày 5/10 giúp nút giao tăng lên 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5/10, hầm chui Lê Văn Lương với vốn đầu tư 700 tỷ đồng bắt đầu thông xe. Hầm có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475 m, trong đó hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm 190 m mỗi bên.

hầm chui Lê Văn Lương
Hầm chui Lê Văn Lương thông xe ngày 5/10. Ảnh: Báo Giao Thông

Mặt cắt ngang gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm 2 làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5 m. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75 m, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng 1 m. Đơn vị thi công xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài trên 300 m, xén hè mở rộng đường Tố Hữu khoảng 400 m.

Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại 2 điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu. Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75 m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương.

Sau khi hầm chui Lê Văn Lương đi vào hoạt động, nút giao thông có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như trước. Hầm chui được kỳ vọng giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu tồn tại nhiều năm qua.

Hầm chui Lê Văn Lương khởi công tháng 10/2020, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 - Công ty cổ phần Fecon - Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng.

Đây là hầm chui thứ 4 của Hà Nội đi vào hoạt động, trước hầm chui Kim Liên - Xã Đàn, hầm chui Trung Hòa và hầm chui Thanh Xuân.

hầm chui Lê Văn Lương
Tình trạng ùn ứ xuất hiện ngay khi thông xe hầm chui Lê Văn Lương

Hầm chui Kim Liên - Xã Đàn được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2009. Vào thời gian xây dựng, công trình được xem là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á.

Hầm xe cơ giới tại nút giao thông Kim Liên, nối đường Đại Cồ Việt với đường Xã Đàn, có chiều dài 644 m, chiều rộng 18,5 m, chiều cao thông xe 4,7 m. Ngoài ra, dự án còn xây dựng hầm cho người đi bộ gồm 2 nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và đường Giải Phóng dài tổng cộng 90m.

Hầm chui Thanh Xuân tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến hoạt động từ 2016, sau 2 năm xây dựng. Hầm có tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản.

Công trình gồm đường hầm và đường dẫn vào hầm tổng chiều dài 980 m, trong đó chiều dài của phần hầm kín là 109 m, mặt cắt ngang 14 m. Hầm có 4 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,5 m. Hầm chui được xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt.

Đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại thủ đô cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ. Nút giao phần nào giải quyết ùn tắc từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến.

Khánh thành cùng ngày với hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng.

Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12 m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m mỗi làn. Phần hầm hở phía đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25 m.

Ngoài 4 dự án hầm chui hiện tại, Hà Nội còn 2 nút giao khác dự kiến xây dựng hầm chui.

Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng được khởi công dịp 10/10. Dự án có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890 m theo hướng đường vành đai 2,5.

Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460 m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn.

Tổng giá trị dự toán phê duyệt hơn 597 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Hà Nội. Thời gian thực hiện dự từ năm 2022-2025.

Ngoài ra, Hà Nội cũng tính toán xây dựng hầm chui Hoàng Quốc Việt với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng qua đường vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long theo hướng Hoàng Quốc Việt sang đường Trần Vỹ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE