Hàn Quốc: Nguy cơ khủng hoảng thị trường bán dẫn đang hiện hữu?

Trên thị trường bán dẫn, sự không chắc chắn đang gia tăng cùng với giá chip giảm do nhu cầu yếu và nguy cơ lạm phát toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nhận định của tờ The Hankyoreh (Hàn Quốc), gần đây các công ty bán dẫn của Hàn Quốc (như Samsung Electronics và SK Hynix) đang xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư trong thời gian còn lại của năm 2022 và cả năm 2023.

Sự không chắc chắn đang gia tăng cùng với sự giảm giá của chất bán dẫn do nhu cầu yếu và nguy cơ lạm phát toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc Mỹ gia tăng các hạn chế xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc, bao gồm các hạn chế đối với vật liệu bán dẫn và phần mềm, cũng là một yếu tố quan trọng khác khiến doanh nghiệp Hàn Quốc phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra liên quan đến "sự sụp đổ của giá bán dẫn ngay trong quý 4 năm 2022". Trước đó, ngày 24/8 vừa qua công ty nghiên cứu thị trường TrendForce đã cập nhật dự báo giá chip NAND flash trong quý 3 năm 2022 sẽ giảm 13%-18%.

Sau đó một ngày, TrendForce tiếp tục điều chỉnh lại dự báo của mình một lần nữa với mức giảm 30%-35% đồng thời cảnh báo rằng giá bán dẫn lao dốc cũng có thể dẫn đến các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nói cách khác, điều này đồng nghĩa "trò chơi đá gà" có thể một lần nữa tái diễn trên thị trường bán dẫn.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008, sau khi các công ty bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu giảm giá sản phẩm đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp liên quan.

Kết quả là giá chip DRAM năm 2006 vốn ở mức 7 USD đã giảm còn 0,5 USD vào năm 2009, thời điểm nhà sản xuất DRAM lớn thứ hai thế giới Qimonda của Đức thông báo phá sản.

Trong tình hình hiện tại, các quy định xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ đối với Trung Quốc đang đóng vai trò là yếu tố ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc.

Một quan chức trong ngành bán dẫn Hàn Quốc cho biết: "Bên cạnh việc giá giảm, các hành động của Mỹ vẫn chưa được xác định nên có thể coi đây là một tình huống không rõ ràng. Ông nói thêm: "Nhu cầu điều chỉnh trong đầu tư và việc làm đã tăng lên nhưng chúng tôi không chắc chắn về việc này như thế nào".

Tương tự, Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIIET) nói rằng sự không chắc chắn trong ngành bán dẫn đang gia tăng bắt nguồn từ những rủi ro xuất hiện đồng thời như nguồn cung chất bán dẫn dư thừa, giá giảm do nhu cầu toàn cầu giảm và lượng hàng tồn kho tăng.

Bên cạnh đó, động thái nhanh chóng chạy đua về công nghệ của Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc để giành quyền bá chủ về công nghệ cũng là một yếu tố không thể bỏ qua.

Trên thực tế, rất nhiều chuyên gia bán dẫn đang thực sự nói rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc hiện đang ở trong tình trạng nghiêm trọng.

Cho đến thời điểm này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCC) đã tiến hành một cuộc khảo sát với sự tham gia của 30 chuyên gia bán dẫn và kết quả là có tới 56,7% người được hỏi cho biết Hàn Quốc đang ở "giai đoạn đầu của khủng hoảng" trong khi 20% tin rằng Hàn Quốc đang "ở giữa cuộc khủng hoảng".

Điều này có nghĩa là hơn 7/10 chuyên gia xem tình hình bán dẫn hiện tại của Hàn Quốc là một "cuộc khủng hoảng". Trong khi đó có tới hơn một nửa số chuyên gia (chính xác là 58,6%) dự đoán rằng cuộc khủng hoảng sẽ "tiếp tục kéo dài sang năm 2023".

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng hiện nay là "nghiêm trọng nhất" trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Chỉ có 43,4% chuyên gia được hỏi cho rằng tình hình hiện tại "nghiêm trọng hơn" so với việc Trung Quốc gia nhập thị trường bộ nhớ bán dẫn vào năm 2016 và còn nghiêm trọng hơn cả tranh chấp thương mại năm 2019 giữa Mỹ và Trung Quốc.

Burm Jin-wook, Giáo sư kỹ thuật điện tử tại Đại học Sogang (Hàn Quốc), cho rằng: "Nếu trước đây những biến động trong ngành bán dẫn chủ yếu là do sự suy giảm tạm thời của môi trường bên ngoài và chu kỳ bán dẫn, thì tình hình hiện tại có thêm một khía cạnh liên quan đến sự cạnh tranh trong chuỗi cung ứng giữa các cường quốc". Ông nói thêm: "Cảm giác khủng hoảng và lo lắng trong ngành đang lớn hơn bao giờ hết".

Về những gì có thể làm để cải thiện tình hình nghiêm trọng hiện nay, 43,3% chuyên gia bán dẫn tham gia khảo sát cho rằng những nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc (như Chip 4) là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

30% trả lời bằng cách viện dẫn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, 13,3% viện dẫn việc mở rộng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển và 10% viện dẫn các vấn đề liên quan đến hệ thống thuế đầu tư và nhu cầu tài chính lớn hơn.

Giáo sư Lee Jang-sik tại POSTECH nhận định rằng: "Chất bán dẫn đã nổi lên như một vấn đề chiến lược có liên quan đến an ninh, dẫn đến những thách thức phức tạp cần giải quyết về mặt chính trị, chính sách đối ngoại và an ninh. Để các công ty bán dẫn Hàn Quốc duy trì khả năng cạnh tranh và bán hàng tốt, vai trò của chính phủ (chứ không chỉ của các công ty) đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây".

Theo Bnews

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE