Hiệu quả đổi mới công nghệ của Việt Nam còn thấp, thiếu cơ chế đột phá cho doanh nghiệp

Theo Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ.
Ban chủ toạ Phiên chuyên đề 3, Diễn đàn Kinh tế lần thứ 4
Ban chủ toạ Phiên chuyên đề 3, Diễn đàn Kinh tế lần thứ 4

Sáng 05/6, hơn 800 đại biểu bao gồm lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các đại sứ quán, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đã cùng thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 4.

Diễn đàn năm nay chia là 3 hội thảo chuyên đề và 1 phiên toàn thể. Trong đó, 3 phiên chuyên đề sẽ xoay quanh các chủ đề: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản và Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Phiên toàn thể với chủ đề: "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại hội thảo chuyên đề 3, các chuyên gia, doanh nghiệp nêu ý kiến về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, gồm: Sự phát triển của chuỗi giá trị vượt ra ngoài phạm vi hoạt động sản xuất; Định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; Kinh nghiệm về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Chuyển đổi số và chiến lược phát triển kinh tế số; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

HIỆU QUẢ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ MỚI CHỈ ĐÓNG GÓP 28,44% TRONG TFP

Phát biểu tại chuyên đề 3: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) Nguyễn Đức Hiển cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường và khó dự báo, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại đã làm cho vấn đề tự cường trong phát triển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, những thách thức từ môi trường kinh tế quốc tế có thể có thể ảnh hưởng nhanh, mạnh và khó lường tới việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

Trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20%/năm, Phó ban KTTW Nguyễn Đức Hiển cho biết.

Về chuyển đổi số, tính đến hết quý 1/2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo; 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Các ngành tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải,… đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa các hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số.

Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Kết quả phân tích cho thấy, nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Bên cạnh đó, hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% tổng số bằng được cấp tại Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu: nguồn cung khoa học - công nghệ của khối đại học và viện nghiên cứu, khả năng áp dụng và năng lực đầu tư cho khoa học - công nghệ của khối doanh nghiệp và hệ thống quản lý, chính sách của Nhà nước.

Chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng lại chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến thiếu bền vững.

COVID-19 LÀ CHẤT XÚC TÁC MẠNH MẼ CỦA ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, với một nền kinh tế có độ mở ngày càng cao, Việt Nam không tránh khỏi tác động của cách mạng công nghiệp này đến các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế; trong đó có các hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất công nghiệp. Phản ứng phòng dịch của nhiều Chính phủ các quốc gia đã làm gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải tổ chức lại chuỗi cung ứng, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.

Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 là một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với Việt Nam, những thay đổi trong cách thức vận hành của nền kinh tế và thị trường toàn cầu dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đã mang lại cả thách thức và cơ hội cho ngành công thương.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và đẩy nhanh quá trình đổi mới, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ. Điều này nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy rằng, mục tiêu đặt ra cho năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, đảm bảo vừa xây dựng nội lực trong nước về công nghệ sản xuất nền tảng, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất.

Từ đó, tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp, tạo cơ sở hình thành chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE