Hỗn loạn tài chính có khiến Fed "chùn bước"?

Chiến lược chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với nhiều câu hỏi sau sự sụp đổ gây chấn động của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature Bank.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đồng USD tại ngân hàng ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN
Đồng USD tại ngân hàng ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến lược nhằm đẩy nhanh các nỗ lực chống lạm phát của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đang đối mặt với nhiều câu hỏi sau sự sụp đổ gây chấn động gần đây của hai tổ chức tài chính là Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank, SVB) và ngân hàng lớn thứ ba nước Mỹ Signature Bank.

Một tuần trước, ông Powell đã khiến thị trường ngạc nhiên khi khẳng định rằng Fed có thể cần tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn so với mức tăng 25 điểm cơ bản mà thể chế này đưa ra hồi tháng 2/2023 để kiềm chế lạm phát dai dẳng.

Vài ngày sau, lần lượt SVB và Signature Bank sụp đổ, khiến Bộ Tài chính Mỹ và Fed phải sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp trên quy mô lớn, do lo ngại rằng sự sụp đổ này sẽ khiến nhiều ngân hàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với nguy cơ rút tiền ồ ạt.

Nên dừng lại hay bước tiếp?

Sự hỗn loạn trên thị trường hôm 13/3 phản ánh những lo ngại tăng cao về tình trạng bất ổn tài chính - và nguy cơ bất ổn sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã giảm gần 0,5 điểm phần trăm giữa bối cảnh giới đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ giảm quy mô tăng lãi suất hoặc thậm chí có thể dừng hoàn toàn chiến dịch thắt chặt đã kéo dài một năm. Cổ phiếu ngân hàng quay trở lại đà trượt dốc, bất chấp việc thị trường đã lấy lại sắc xanh vào đầu phiên chiều.

Điều đáng lo ngại là sự sụp đổ của SVB và Signature Bank chỉ là sự kiện khởi đầu cho chuỗi những sự kiện dài hơn, xuất phát từ việc Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm 2007.

Trong khi Chủ tịch Powell đã báo hiệu về một kịch bản tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 21-22/3 tới, tình trạng hỗn loạn mới sẽ buộc Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) phải xem xét lại kế hoạch của mình.

Trước áp lực thị trường, một số nhà hoạch định chính sách cho rằng Fed nên duy trì mức tăng vừa phải như đã được áp dụng vào tháng Hai. Lorie Logan, Chủ tịch Fed tại chi nhánh Dallas, người trước đây điều hành bộ phận thị trường của Fed chi nhánh New York và là quan chức hàng đầu của Fed am hiểu thị trường nhất - đã liên tục đưa ra quan điểm rằng Fed sẽ áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các đợt nâng lãi suất sau khi đã liên tục tăng mạnh vào năm ngoái.

"Tốc độ (tăng lãi suất) chậm hơn là một cách để đảm bảo rằng chúng tôi đưa ra quyết định tốt nhất có thể", bà Logan cho biết trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách tiền tệ hồi tháng Giêng.

Trong khi đó, một số người theo trường phái diều hâu của FOMC cũng có thể sẽ cho rằng các công cụ cho vay khẩn cấp mà Fed vừa công bố sẽ giúp ổn định thị trường, từ đó cho phép thể chế này tiếp tục lộ trình tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.

Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ giữ nguyên quan điểm về lãi suất vào tuần tới, trong khi các chuyên gia kinh tế của Barclays Plc cũng nhận định tương tự.

Marc Sumerlin, người sáng lập hãng tư vấn Evenflow Macro ở Washington, cho biết: "Đây là lần đầu tiên trong chu kỳ (nâng lãi suất) này, họ (Fed) chứng kiến sự xung đột".

Theo chuyên gia này, ngân hàng trung ương được thành lập để duy trì sự ổn định tài chính và rõ ràng họ đã phản ứng với điều đó nên giờ đây họ đứng trước "ngã ba đường". Sứ mệnh duy trì ổn định tài chính kêu gọi họ phải ngừng tăng lãi suất, nhưng lạm phát lại yêu cầu họ phải thắt chặt hơn nữa.

Với việc cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh, bất kỳ động thái giữ nguyên quan điểm nào của Fed cũng có thể khiến người ta nhớ đến giai đoạn hồi tháng 8/2007. Khi ấy, ngay cả khi thị trường bắt đầu có phát đi những dấu hiệu lo ngại về chứng khoán thế chấp dưới chuẩn, Fed vẫn khẳng định lạm phát là mối bận tâm hàng đầu.

Ngày nay, Fed dường như đã có sự thay đổi. Cơ quan này đã buộc phải thay đổi chiến thuật vào cuối năm 2021, khi lạm phát - từng được cho là "tạm thời" - hóa ra lại nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế.

Những lời chỉ trích hiện đang cho rằng thông điệp của ông Powell vào tuần trước không còn phù hợp với những rủi ro đang hình thành trong hệ thống tài chính.

Dario Perkins, nhà kinh tế học tại công ty tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard, người trước đây từng làm việc tại Kho bạc Vương quốc Anh, cho biết: "Các ngân hàng trung ương đang trở thành một nguồn gây ra biến động vĩ mô, chứ không phải là một công cụ giảm bớt những biến động này".

Lạm phát vẫn hiện hữu

Có một sự thật không thể chối bỏ, đó là các số liệu mới nhất về lạm phát đang nhắc nhở những người theo dõi Fed cũng như các nhà đầu tư rằng sứ mệnh của các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa hoàn thành.

Các nhà kinh tế tại công ty tư vấn nghiên cứu độc lập LH Meyer/Monetary Policy Analytics đã viết trong một lưu ý dành cho khách hàng: "Những sự kiện này sẽ tạo ra tâm lý thận trọng hơn, nhưng bức tranh lạm phát đang ngày một xấu đi vẫn rất rõ ràng… Mặc dù khả năng Fed tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng Ba tới đã giảm đáng kể, nhưng chúng tôi tin rằng Ủy ban thị trường mở liên bang vẫn sẽ lựa chọn tiếp tục nâng lãi suất".

Trớ trêu thay, những tranh cãi tài chính nổ ra chỉ vài tuần sau sự ra đi của Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard, người đã đi đầu trong các nỗ lực kêu gọi thắt chặt quy định tài chính và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát tác động tích lũy của quá trình thắt chặt tiền tệ nhưng không thành công.

Trong bối cảnh lạm phát tăng phi mã, Fed đã bắt đầu nâng lãi suất lần đầu tiên từ mức 0 với mức tăng 25 điểm cơ bản vào một năm trước, trước khi tăng tốc độ điều chỉnh lên 50 điểm cơ bản, sau đó là một chuỗi tăng 75 điểm cơ bản trong bốn lần. Các nhà hoạch định chính sách sau đó giảm quy mô nâng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 và 25 điểm cơ bản vào tháng 2/2023.

Tuy nhiên, các số liệu về lạm phát và thị trường lao động nghiêm trọng hơn dự kiến của tháng 1/2023, cũng như các sửa đổi đối với những dữ liệu trước đó, đã đặt ông Powell đứng trước ngưỡng cửa phải tăng tốc.

Điều này khiến một số người theo dõi Fed thay đổi quan điểm của họ. Và thị trường giao dịch kỳ hạn cũng đã bắt đầu được định giá theo hướng đề cao khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.

Dù vậy, ngày 13/3, những hiện tượng này đã tạm thời kết thúc.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE