Hợp đồng điện tử của VNPT lưu trữ bằng Blockchain

VNPT eContract vừa được trình làng, là một phần động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt trong thời kỳ dịch bệnh.
Hợp đồng điện tử được đảm bảo về dữ liệu nhờ công nghệ Blockchain
Hợp đồng điện tử được đảm bảo về dữ liệu nhờ công nghệ Blockchain
Với hợp đồng điện tử, người dùng được loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng giấy. Bởi các bên tham gia hợp đồng sử dụng công cụ để tạo lập, đàm phán, giao kết, lưu trữ, tìm kiếm, tra cứu hợp đồng bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Chi phí đi lại để gặp trực tiếp ký hợp đồng cũng giảm đáng kể, giúp hạn chế lây nhiễm dịch bệnh trong thời kỳ dịch Covid-19.
VNPT vừa trình làng VNPT eContract bao gồm các thành phần quản lý tài khoản người dùng bên giao kết, quản lý quá trình đàm phán điều khoản hợp đồng, thống nhất hợp đồng và tiến hành ký kết bằng chứng thư số (CA) hoặc xác minh định danh eKYC và ký điện tử. Trước đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn ở Việt Nam cũng cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử ra thị trường như FPT, CMC, Viettel…
Các quy trình ký hợp đồng điện tử giữa các bên trong VNPT eContract tuân thủ Luật Thương mại điện tử và các văn bản pháp luật liên quan của Nhà nước. Sau khi hợp đồng điện tử có hiệu lực thi hành, toàn bộ dữ liệu được đưa lên blockchain lưu trữ và truy xuất giữa các bên khi cần thiết.
Hợp đồng điện tử của VNPT lưu trữ bằng Blockchain ảnh 1
 Hợp đồng điện tử VNPT eContract cung cấp dịch vụ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp
VNPT eContract cũng cho phép quản lý các biến động của quá trình thực thi hợp đồng điện tử như phụ lục hợp đồng, tạm dừng, chấm dứt hợp đồng, đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng, cách thức hợp đồng vô hiệu, thế chấp, cầm cố tài sản, bảo lãnh hợp đồng, quy định thời hiệu khởi kiện.
Hợp đồng điện tử có nhiều ưu điểm như giúp giải quyết những yêu cầu từ phía nhà quản lý trong việc kiểm soát hoạt động giao kết bên trong thành phố thông minh, tạo ra phong cách phục vụ hiện đại, nhằm mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, hợp đồng điện tử cho phép người dùng có thể truy cập, tra cứu các hợp đồng đã ký, hợp đồng chờ ký, hợp đồng trả lại nhờ vào chức năng lọc của hệ thống. Thuận lợi cho công tác quản lý thực hiện hợp đồng từ khâu thương thảo hợp đồng đến thực thi hợp đồng.
Với các lĩnh vực được áp dụng với hợp đồng điện tử như cung cấp dịch vụ, lao động, thuê khoán, thương mại, dịch vụ, hợp đồng đại lý, vận chuyển, bảo hiểm, mua bán, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ…
Tính năng nổi bật
Một trong những ưu điểm nổi bật của VNPT eContract là định danh trực tuyến. VNPT eContract tích hợp giải pháp VNPT eKYC và Video KYC cho phép định danh khách hàng, khách hàng định danh các đối tác tham gia ký hợp đồng. Tính năng đàm phán trực tuyến cho phép các bên thảo luận, ghi nhận thay đổi nội dung hợp đồng, đàm phán các điều khoản và có thể điều chỉnh nội dung của hợp đồng qua hình thức trực tuyến.
Cùng với đó, giải pháp ký số hỗ trợ tất cả loại hình ký số của các nhà cung cấp dịch vụ chứng thư số tại Việt Nam, giúp người dùng không có chứng thư số vẫn có thể ký hợp đồng điện tử và vẫn đảm bảo an toàn, đáp ứng điều kiện, nguyên tắc của luật Giao dịch điện tử Việt Nam. Công nghệ mã hóa file hợp đồng bằng cặp khóa công khai, đảm bảo chỉ các bên tham gia hợp đồng mới có thể truy xuất nội dung theo hợp đồng. Mức độ bảo mật càng được bảo đảm hơn nhờ công nghệ Blockchain, giúp tăng niềm tin giữa các bên tham gia hợp đồng và tăng tính minh bạch trong quản lý hợp đồng điện tử.
Dù có nhiều ưu điểm, hợp đồng điện tử vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc công ty luật TNHH HOK cho biết: “Theo quy định tại Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử 2005, hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Tuy vậy, vẫn có những rủi ro pháp lý có thể gặp khi sử dụng hợp đồng điện tử. Do hợp đồng điện tử mang tính phi biên giới, vì vậy khi xảy ra tranh chấp, rất khó xác định được địa điểm giao kết hợp đồng, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế. Do đó để đảm bảo các rủi ro được giải quyết bởi cơ quan tài phán hoặc cơ chế xử lý các bên cần có thêm các thỏa thuận để xác định rõ việc này.
Do tính phi vật chất, vô hình của hợp đồng, khi có tranh chấp cũng rất bất tiện khi không chứng minh được bản gốc và chữ ký gốc. Do đó trong trường hợp này các bên cần có sự xác định rõ ràng về bên thứ 3 trong việc xác định chữ ký số hoặc và các điều kiện tương tự có hiệu lực của hợp đồng được xác định cụ thể.
Có thể xảy ra trường hợp mất hoặc bị tiết lộ dữ liệu, việc này có thể xảy ra khi các bên ủy quyền cho bên thứ 3 lưu trữ thông tin hoặc chứng thực dữ liệu. Vấn đề lộ thông tin do hacker mạng tấn công cũng là một trong những rủi ro cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử”.
Tuy vậy, luật sư Nguyễn Đức Hoàn khẳng định với sự phát triển của khoa học công nghệ, những nhược điểm này có thể được khắc phục trong tương lai không xa.
Hạ tầng quản lý hợp đồng điện tử quốc gia
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử nêu rõ chứng từ điện tử có giá trị như bản gốc nếu đảm bảo 2 yếu tố là đảm bảo đủ tin cậy và toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử thời điểm thông tin được khởi tạo đầu tiên của chứng từ điện tử và thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập đầy đủ khi cần thiết.
Hợp đồng điện tử của VNPT lưu trữ bằng Blockchain ảnh 2
 Có 3 nhóm đối tượng tham gia vào trục mô hình triển khai hạ tầng quản lý chứng thực của Hợp đồng điện tử quốc gia
“Gần đây Bộ Công Thương làm việc rất nhiều đơn vị và nhận thấy thị trường và nhu cầu gia tăng lớn trong ứng dụng hợp đồng điện tử. Kể cả khi không có dịch bệnh và giãn cách xã hội, hợp đồng điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí khi áp dụng, ký kết bất kỳ lúc nào. Giá trị của hợp đồng điện tử không phải chỉ trong giãn cách mà là mục tiêu quốc gia”, ông Đức Anh cho biết.
Về Nghị định 52 sửa đổi bổ sung, Bộ Công Thương trình Chính phủ, sửa đổi điều 63, lấy ý kiến nhiều vòng. Ban hành toàn bộ quy trình doanh nghiệp có thể đăng ký đơn vị chứng thực hợp đồng điện tử. Nghị định này sẽ quy định rõ quy trình và chính thức cấp đăng ký với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA). 
Theo đó, có 3 nhóm đối tượng tham gia vào trục mô hình triển khai hạ tầng quản lý chứng thực của Hợp đồng điện tử quốc gia gồm:
Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử CeCA - đơn vị sẽ được Bộ Công Thương cấp đăng ký dịch vụ Hợp đồng điện tử. 
Các hệ thống liên quan đến hệ thống trục do Bộ Công Thương triển khai. Hệ thống trục sẽ liên kết với các hệ thống giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử của bên thứ 3 và Cục Quản lý cạnh tranh. Hệ thống trục đóng vai trò liên kết trực tiếp với hệ thống giải quyết tranh chấp của Cục Quản lý Cạnh tranh, cơ quan Bộ Công Thương để kiểm tra và tra cứu Hợp đồng điện tử. Hệ thống có sẵn cơ chế để bên thứ 3 tham chiếu, xác mình hợp đồng điện tử có phải hợp đồng gốc không. 
Các doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ cho các CeCA trong việc xây dựng, ứng dụng hợp đồng điện tử như eKYC, TimeStamp, eVerify, Cross-Signing... 

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE