Chứng khoán 16/8

HPG đạt thanh khoản cao nhất trong vòng 5 tháng

Lần gần nhất HPG có mức thanh khoản cao hơn phiên hôm nay là vào tháng 3. Với việc khối ngoại vẫn tiếp tục tung lượng tiền lớn trong phiên chiều, HPG đã ghi nhận mức thanh cao nhất trong vòng 5 tháng.
Diễn biến giao dịch phiên 16/8
Diễn biến giao dịch phiên 16/8

Quy mô giải ngân vào HPG ở phiên sáng đã ở mức cao nhưng khối ngoại vẫn chưadừng lại trong phiên chiều. Lượng tiền đổ vào trong phiên chiều nay cũng xấp xỉ so với phiên sáng, qua đó nâng giá trị giải ngân vào HPG lên xấp xỉ 450 tỷ đồng. Điều này cũng thúc đẩy thanh khoản của HPG vọt lên 65,5 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Thị giá của HPG vẫn được bên bán ra kiềm chế để tránh có sự biến động mạnh. Cuối phiên, HPG vẫn chỉ tăng 2,3%.

Tuy nhiên, cũng do sức ghìm này mà VN-Index vẫn cần phải được bổ trợ từ PLX (+2,7%), MWG (+1,5%), NVL (+1,5%), SAB (+1,5%), MSN (+0,5%) mới có thể quay đầu tăng điểm trong phiên chiều. Tiền nội không hẳn là hưng phấn vì trạng thái kéo điểm của các cổ phiếu trụ bởi thời điểm hiện tại đã rất sát kỳ đáo hạn phái sinh.

Các mã có sự hưởng ứng nhất chỉ là CII, CTD tăng trần, TCM (+5,09%) trong khi số đông vẫn dao động trong biên độ hẹp. Nhóm Chứng khoán đã nhen nhóm CTS (+4,1%), FTS (+1%) tăng giá cho thấy có dòng tiền "đón lõng" vào ngành trước khi Thép và Ngân hàng cùng chững lại. Tuy nhiên, với chỉ 2 mã này thì bằng chứng vẫn là chưa thuyết phục. Các cổ phiếu đầu ngành như HCM (-1,1%), SSI (-0,6%), VND (0%) vẫn chưa thực sự bứt ra khỏi trạng thái đi ngang.

VN-Index chốt tăng 0,49 điểm lên 1.274,69 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 14.945 tỷ đồng. Độ rộng thị trường ngày một cân bằng hơn với 39,7% mã tăng so với 46,3% mã giảm và 14% mã đứng giá.

HNX-Index trong khi lại chưa theo kịp những diễn biến của HOSE, vẫn giảm 0,31% xuống 303,02 điểm. Giá trị giao dịch đạt 1.508 tỷ đồng. UPCoM-Index trong khi đó tăng 0,22% lên 92,84 điểm. Giá trị giao dịch sàn đạt 1.067 tỷ đồng.

*****

Tới cuối phiên sáng, HPG tiếp tục bỏ xa các mã về quy mô giao dịch khi đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Khối ngoại đã thúc đẩy mạnh mẽ cho cổ phiếu này vượt xa phần còn lại khi họ tung lượng tiền khá lớn giải ngân vào từ sau 10h30.

Tính đến cuối phiên sáng, khối ngoại đã mua ròng 235 tỷ đồng HPG. Cần phải lưu ý rằng, ở 2 phiên gần nhất, khối ngoại đã mua ròng hơn 300 tỷ đồng HPG và cổ phiếu đều tăng trong 2 phiên này.

2 mã đứng sau về quy mô giao dịch là NKG và HSG vẫn đang ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với 337 tỷ đồng và 255 tỷ đồng.

Thanh khoản của HOSE nhờ vậy vẫn không bị hụt đi nhiều so với phiên sáng hôm qua, đạt 8.396 tỷ đồng. Độ rộng còn đang ghi nhận sự mở rộng trở lại của sắc xanh, đạt 34% so với 48% mã giảm và 18% mã đứng giá tham chiếu.

VN-Index cuối phiên sáng gần như không còn giảm đáng kể, tạm dừng tại 1.273,88 điểm (-0,03%). Còn HNX-Index cũng đang dần được kéo lên khi chỉ còn giảm 0,74 điểm. Giá trị giao dịch của HNX đang là 917 tỷ đồng.

****

Cách di chuyển của dòng tiền hôm qua là đi từ nhóm Ngân hàng rồi lan tỏa tới các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn như Nông nghiệp, Bán lẻ, Năng lượng. Diễn biến tương tự không lặp lại nhưng lại có sự luân chuyển từ Ngân hàng sang nhóm Thép.

3 mã đạt giá trị giao dịch lớn nhất HOSE đang HPG (+2,08%), NKG (+3,22%), HSG (+3,94%). Với HPG, việc giữ ngôi vương thanh khoản không phải điều kỳ lạ nhưng khi có cả HSG, NKG thì rõ ràng đang có hiệu ứng hút tiền vào nhóm ngành này.

Diễn biến này không hẳn là ngẫu nhiên khi nhóm Ngân hàng lại đang có dấu hiệu muốn "nghỉ ngơi" sau phiên tăng hứng khởi ghi nhận SHB tăng trần và lọt top giá trị giao dịch còn BID làm nhiệm vụ kéo điểm mạnh mẽ.

Chính sự luân chuyển nhịp nhàng này đang giúp cho VN-Index không phải hụt hẫng với Ngân hàng mà chỉ giảm nhẹ hơn 2 điểm xuống 1.272 điểm vào thời điểm 10h30.

Xét về sức lan tỏa, Thép có thể khó so sánh với Ngân hàng. Số mã tăng hiện đạt 28% so với 53% mã giảm và 19% mã đứng giá tham chiếu.

Các mã giảm đang chiếm thế chủ động nhưng lực bán chốt lời hầu như không ghi nhận biên độ giảm trên 1%. Hầu hết cũng chỉ giảm nhẹ như PDR (-0,18%), GEX (-0,81%), DXG (-0,71%), HDG (-0,37%), SCR (-0,4%), DBC (-0,87%), BAF (-0,31%), KDC (-0,44%), TCM (-0,77%), HAH (-0,44%)…

Nhóm Chứng khoán cũng là một nhân tố quan trọng trong bộ 3 Bank - Chứng - Thép hiện cũng đang giảm theo kịch bản này. Dù vậy, sẽ hoàn toàn có thể xảy ra khả năng nhóm này tiếp ứng cho thị trường khi cả Ngân hàng lẫn Thép đều dừng lại. Biên độ giảm của VCI (-0,4%), SSI (-0,8%), HCM (-0,7%), VND (-0,4%), FTS (-0,1%) vẫn cho phép kịch bản này có thể xảy ra.

Mức thanh khoản trên 5.500 tỷ đồng vào lúc 10h30 vẫn là chỉ báo tốt để giữ chân dòng tiền ở lại thị trường. So với cùng thời điểm sáng hôm qua, giá trị giao dịch chỉ hụt khoảng 400 tỷ đồng.

Trên HNX, diễn biến giằng co trái chiều đang khiến cho chỉ số này không ghi nhận sắc xanh. HNX-Index đang giảm xuống 302,7 điểm với giá trị giao dịch đạt trên 600 tỷ đồng.

Đọc tiếp

PVcomBank tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2024.

PVcomBank tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2024

Ngày 20/4/2024, tại Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024. Bên cạnh báo cáo về kết quả đạt được trong công tác quản trị, điều hành, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh trong năm 2023, PVcomBank đã thông qua Đại hội nhiều nội dung quan trọng khác.

Chat với BizLIVE