Indonesia tăng dự trữ quốc gia lên 2,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu gạo Việt Nam có cơ hội?

Indonesia là một trong ba thị trường truyền thống xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam ở Đông Nam Á. Sau 03 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, năm 2022 Indonesia đã nhập khẩu 500.000 tấn, và năm 2023 dự kiến là 2,4 triệu tấn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Indonesia dự kiến tăng dự trữ quốc gia lên 2,4 triệu tấn gạo (Ảnh minh họa)
Indonesia dự kiến tăng dự trữ quốc gia lên 2,4 triệu tấn gạo (Ảnh minh họa)

Lo ngại El Nino có thể làm mất mùa, Indonesia tăng dự trữ gạo quốc gia

Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, ngày 8/2/2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo phục vụ dự trữ quốc gia, mặc dù hiện nay nông dân nước này đang vào vụ thu hoạch lúa chín trong năm 2023.

Theo Tổng thống Joko Widodo, lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia hiện nay là khá ít, vào ngày 17/2 chỉ còn khoảng 600.000 tấn trong khi yêu cầu lượng gạo dự trữ quốc gia phải đạt mức tối thiểu là 1,2 triệu tấn. Trước tình hình này Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng lượng gạo dự trữ quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn gạo.

Nguyên nhân Chính phủ Indonesia quyết định tăng mạnh nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia, bởi theo các nhà nghiên cứu hiện tượng El Nino mạnh mẽ có thể trở lại vào năm nay, kết hợp với sự nóng lên toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng đến khí hậu thế giới nói chung và Indonesia nói riêng.

Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đưa ra dự báo, hiện tượng El Nino năm nay sẽ xảy ra và gây hạn hán từ tháng 5 đến 7/2023, vì vậy có thể ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng vụ thu hoạch lúa vào tháng 7, tháng 8 của nước này.

Sau 3 năm Indonesia không phải nhập khẩu gạo dự trữ thì từ tháng 12/2022 đến tháng hết tháng 2/2023 nước này đã phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ quốc gia.

Trong đợt nhập khẩu này Việt Nam và Thái Lan là hai nước cung cấp gạo dự trữ nhiều nhất cho Indonesia, và chỉ tính riêng trong tháng 1/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia được 85.925 tấn, trị giá 40.932.150 USD, chiếm 23,91% tổng khối lượng xuất khẩu gạo và chiếm 21,93% tổng kim ngạch của cả nước.

Việt Nam khan hiếm gạo Indonesia có nhu cầu

Ông Bạch Ngọc Văn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty Cổ phần (Vinafood 2) cho biết, với cơ cấu gạo xuất khẩu mỗi năm xoay quanh con số 6,3 triệu tấn thì lượng gạo cấp thấp cũng phải có từ 1,5 triệu tấn để phục vụ nhu cầu thị trường thế giới, nhưng do Việt Nam đang giảm dần diện tích các giống cấp thấp như IR 50404, OM 380, và vụ lúa Đông Xuân năm nay lại giảm tiếp nên diện tích gieo sạ các giống IR 50404 và OM 380 cộng lại chỉ khoảng 6%/ tổng diện tích gieo sạ của cả khu vực, sản lượng loại gạo này (chưa trừ tiêu dùng nội địa) chỉ trên 300.000 tấn, trong trường hợp lạc quan lắm cũng chỉ khoảng được 400.000 tấn gạo.

Nếu Indonesia nhập khẩu thì chắc chắn họ sẽ nhập khẩu gạo 5% trắng thường gồm các loại gạo IR50404 và OM380, nhưng hiện nay các loại gạo này Việt Nam đang khan hiếm, đó là chưa kể nhu cầu nhập khẩu từ Bangladesh, Malaysia và Cuba, đầu năm Cuba giảm nhập khẩu nhưng đến giữa năm lượng gạo nhập khẩu của họ sẽ tăng cao.

Do vậy, phải dựa vào nguồn lúa IR 50404 Campuchia về, trường hợp lúa IR 50404 Campuchia không về hoặc về ít khi đó Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung trầm trọng. Câu chuyện này đang đặt ra 2 vấn đề:

Thứ nhất, khi thế giới tăng nhập khẩu gạo 5% tấm hay còn gọi là gạo cấp thấp thì Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung, trong khi đó Thái Lan vẫn có một lượng gạo 5% tấm nhất định, Pakistan và Ấn Độ đang có nguồn gạo này rất dồi dào.

Thế giới tăng nhập khẩu gạo cấp thấp nhưng Việt Nam lại không có đủ nguồn cung như vậy Việt Nam có thể sẽ đánh mất cơ hội và bài toán này khiến ngành lúa gạo phải suy nghĩ lại vấn đề cơ cấu giống.

Thứ hai, bài toán vốn cho thu mua lúa gạo dự trữ là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bấy lâu nay. Bởi khi vào thu hoạch rộ nguồn lúa hàng hóa dồi dào chắc chắn giá lúa sẽ điều chỉnh giảm, khi đó khách hàng sẽ tăng mua còn doanh nghiệp thì cần một lượng tiền rất lớn để mua lúa gạo vào.

Tháng 3, thời điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, lúa gạo hàng hóa dồi dào hơn nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục điều chỉnh, gạo 5% tấm đang chào ở mức 445 USD/tấn (FOB), giảm 5 USD/tấn, chỉ còn hơn gạo 5% Ấn Độ 10 USD/tấn và thấp hơn gạo 5% Thái Lan 9 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 428 USD/tấn, gạo Jasmine cũng giảm còn 540 USD/tấn.

“Nếu chúng ta không có tiền mua lúa gạo dự trữ để dành bán sau mà phải bán ngay thì sẽ không còn cơ hội bán giá cao. Đây là thiệt thòi cho người nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Mặc dù đã có rất nhiều báo đài phản ánh vấn đề vốn cho doanh nghiệp lúa gạo trong giai đoạn cao điểm thu hoạch rộ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan của chính phủ cũng có quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thu hoạch rộ, và việc thay đổi chính sách thì luôn có lộ trình và độ trễ nhất định”, Phó tổng giám đốc Vinafood 2 nói.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE