IPO trên các sàn chứng khoán Mỹ sụt giảm thê thảm

Tính đến hết ngày thứ Tư vừa rồi, đã 238 ngày trên thị trường tài chính Mỹ không có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào có quy mô hơn 50 triệu USD.
Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Việc thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm từ đầu năm đến nay đã tạo ra cơn “hạn hán” dài nhất trong lịch sử niêm yết cổ phiếu lần đầu của doanh nghiệp công nghệ Mỹ trong thế kỷ này. Nhiều chuyên gia phân tích cẩn trọng nói đến kịch bản phục hồi dù rằng nhiều ngành khác đang có tín hiệu hồi phục.

Theo Financial Times, tính đến hết ngày thứ Tư vừa rồi, đã 238 ngày trên thị trường tài chính Mỹ không có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào có quy mô hơn 50 triệu USD.

Như vậy khoảng thời gian hoàng kim của IPO ngành công nghệ tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và sự sụp đổ của bong bóng dotcom đầu năm 2000 đã chính thức kết thúc, nghiên cứu của nhóm thị trường vốn công nghệ thuộc Morgan Stanley cho hay.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến của Fed chống lại lạm phát thông qua hàng loạt các đợt nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

Lãi suất cao gây tổn hại đến định giá cổ phiếu bởi nó làm giảm đi giá trị của lợi nhuận trong tương lai, đồng thời nó khiến cho nhiều người sợ hãi về khả năng kinh tế sẽ có thể rơi vào suy thoái.

Trong năm ngoái, trên thị trường IPO, các cổ phiếu công nghệ được định giá cao chiếm tỷ lệ áp đảo, các cổ phiếu này sau khi lên sàn lập tức tăng mạnh cùng với đà đi lên chung của thị trường, tuy nhiên sang đến năm nay, các cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng sau hàng loạt các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Chỉ số Nasdaq Composite với chủ yếu là các cổ phiếu công nghệ đã giảm gần 28%, cùng lúc đó chỉ số S&P 500 mất 19% giá trị trong năm nay. Chỉ số Renaissance IPO theo dõi cổ phiếu của các doanh nghiệp Mỹ niêm yết trong vòng 2 năm qua, đã giảm hơn 45%.

Trưởng bộ phận thị trường vốn tại công ty chứng khoán SVB Securities, ông Matt Walsh, nhận xét: “Hiện đang có quá nhiều yếu tố bất ổn trên thị trường, bất ổn có thể coi như “kẻ thù” của hoạt động IPO”.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải có được khoảng thời gian bình ổn, lúc đó nhà đầu tư mới có thể dám mua cổ phiếu công khai trước khi họ chấp nhận thêm nhiều rủi ro và mua cổ phiếu IPO của ngành công nghệ”, ông Walsh dự báo.

Vào tuần trước, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Corebridge đã hoàn tất đợt IPO quy mô 1 tỷ USD, tâm lý thận trọng này rõ nét đối với cả nhiều doanh nghiệp lớn và đã kinh doanh có lãi.

Ngay cả sau đợt IPO của Corebridge, tổng giá trị IPO của Mỹ giảm 94% so với cùng kỳ năm. Tính từ đầu năm đến giờ chỉ có hơn 7 tỷ USD được huy động so với con số 110 tỷ USD cùng kỳ năm trước, theo Daelogic.

Nhóm các doanh nghiệp công nghệ trong chỉ số S&P 500 công bố lợi nhuận quý 2/2022 đạt kỳ vọng, theo tính toán của FactSet. Tuy nhiên dự báo lợi nhuận của quý 2/2022 đã được điều chỉnh giảm đi.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã ứng phó bằng cách đặt nhiều trọng tâm vào việc cắt giảm chi phí và điều chỉnh hoạt động, tuy nhiên Brookshire cho biết doanh nghiệp sẽ cần phải có thời gian để xem thay đổi sẽ gây ra ảnh hưởng như thế nào.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE