"Khả năng rút vốn mạnh của khối ngoại trong năm 2022 là không cao"

Chuyên gia Maybank Investment Bank cho rằng, khi lãi suất của Fed cao hơn thì dòng vốn ngoại vào thị trường Việt sẽ chậm lại nhưng khả năng rút vốn mạnh trong 2022 là không cao.
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền

Nhận định trên được bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích - Khối Khách hàng cá nhân của Maybank Investment Bank chia sẻ với BizLIVE, khi cùng hướng về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng này với dự kiến có bước ngoặt chính sách.

Thưa bà, nếu Fed đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất cũng như mức độ tăng mạnh hơn như nhiều tổ chức dự báo thời gian gần đây, vốn ngoại trên thị trường chứng khoán có đảo chiều mạnh hơn như một số quan ngại và cảnh báo?

Khi lãi suất của Fed cao hơn thì dòng vốn ngoại vào thị trường sẽ chậm lại. Tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận một điều là dòng vốn nước ngoài đang quay trở lại các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Thái Lan kể từ tháng 7/2021. Riêng ở Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 54,9 ngàn tỷ đồng (2,5 tỷ USD) trong năm 2021 nhưng đã quay lại mua ròng gần 702 tỷ đồng (nếu loại trừ khoản thỏa thuận thoái vốn của GIC ở MSN khoảng 4752 tỷ đồng).

Vì vậy khả năng vốn ngoại bị rút ròng mạnh trong năm 2022 là khá thấp, hay nói cách khác là không cao. Bên cạnh đó với tỷ lệ tiêm chủng cao, kinh tế vĩ mô vững chắc, chính trị ổn định, việc tái mở lại biên giới quốc tế ngày càng hiện thực và trôi chảy sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.

Lộ trình của Fed thường có tính định hướng nhất định, như vậy hẳn thị trường Việt Nam và nhà đầu tư sẽ chủ động hơn trong ứng xử...

Việc dự báo Fed tăng lãi suất trong tháng 3 là dựa trên những dư liệu về thị trường lao động và rủi ro lạm phát tăng, đến nay gần như là không còn bất ngờ đối với thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý đến những nguyên nhân gây áp lực lên lạm phát (như tăng trưởng tiền lương, gián đoạn chuổi cung ứng, mâu thuẫn địa chính trị là tăng giá năng lượng) nếu biến động mạnh dẫn đến Fed sẽ có lộ trình tăng lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn so với công bố dự báo hàng quý.

Nhắc lại, khi Fed công bố dự báo hàng quý mới nhất vào tháng 12/2021, mục tiêu lãi suất của Fed vào cuối năm 2022 trung bình theo dự báo chỉ 0,75%. Tuy nhiên lãi suất hiện được cho là sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3/2022.

Như vậy là có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh và nhanh hơn. Với Việt Nam, cuối năm 2021 đầu 2022, tỷ giá USD/VND đã có những đợt biến động rất mạnh. Và VND lên giá đáng chú ý hai năm gần đây. Dự báo thêm tác động mới của Fed, bà trù tính thế nào về biến động tỷ giá?

Fed tăng lãi suất sẽ làm đồng USD mạnh lên. Nhưng dù thực tế đồng VND đã tăng giá trong 2 năm qua, Maybank Investment Bank vẫn không kỳ vọng VND sẽ giảm giá lại do số dư tài khoản vãng lai vẫn đang khá tốt. Thương mại Việt Nam đang trên đà phát triển tốt nhất về cả chất lượng và số lượng. Trong 10 năm gần đây, giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần lên 330 tỷ USD trong năm 2021 (từ 72 tỷ USD vào năm 2010)

Còn với lãi suất, cùng với triển vọng Fed có thay đổi dự kiến như trên, thực tế lãi suất tại Việt Nam cũng đã và đang tăng lên trên các thị trường. Vậy bà có cho rằng thời “tiền rẻ” đã thực sự trôi qua?

Fed tăng lãi suất không có nghĩa là Việt Nam cũng sẽ tăng lãi suất. Việc lãi suất ở Việt Nam tăng giảm tùy thuộc vào yếu tố nội tại của kinh tế như lạm phát, tăng trưởng GDP và tỷ giá. Việt Nam hồi phục tốt sau đại dịch và kiểm soát tốt lạm phát nên lãi suất trong nước sẽ không tăng đột biến.

Về những lo ngại liên quan đến áp lực lạm phát do gói kích cầu và nhu cầu hồi phục. Dựa trên khảo sát của các ngân hàng trong nước và dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ được giữ ở mức thấp. Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần giai đoạn 2022-2023 sẽ đạt lần lượt là 3,8% và 3,5%, vẫn nằm dưới mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Xin cảm ơn bà.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE