Khi mong muốn của Phố Wall đi ngược với hành động của chính phủ

Giới quan sát nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt nguồn từ sự sụp đổ nhanh chóng của Silicon Valley Bank (SVB) đã bộc lộ sự mất kết nối rõ rệt giữa Chính phủ Mỹ và giới tài chính Phố Wall.
Khi mong muốn của Phố Wall đi ngược với hành động của chính phủ

Các chủ ngân hàng muốn chính phủ có những hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để vực dậy ngành này, trong khi Nhà Trắng và các cơ quan quản lý lập luận rằng họ đã làm những gì có thể trong giới hạn của luật pháp.

Một số nhà phê bình đang đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng các hành động quyết liệt ngay từ đầu hay không.

Ông Edward Campbell, đồng trưởng phụ trách bộ phần quản lý tài sản tại công ty tư vấn tài chính PGIM Quantitative Solutions đánh giá rằng giới hoạch định chính sách đã có một số động thái hỗ trợ, nhưng họ vẫn chưa đưa ra hành động thực sự mạnh mẽ nào và ngành ngân hàng chưa vượt qua được giai đoạn dễ tổn thương này. Ông nhấn mạnh Washington sẽ phải đưa ra những biện pháp hỗ trợ khác.

Giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng khu vực đã bị ảnh hưởng kể từ khi SVB sụp đổ. Các nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng nếu chính phủ không can thiệp mạnh hơn, tình trạng rút tiền ồ ạt có thể gây bất ổn cho các ngân hàng vừa và nhỏ.

Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden - sau khi bị công chúng chỉ trích về các gói cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – đã lên tiếng cam kết sẽ bảo vệ người gửi tiền và hệ thống ngân hàng. Nhưng họ không có ý định giải cứu các ngân hàng riêng lẻ hoặc làm tổn hại đến tiền thuế của dân.

Căng thẳng giữa Phố Wall và Chính phủ Mỹ xoay quanh ba điểm chính: việc Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) không tìm được người mua SVB; thông điệp của chính quyền Tổng thống Biden xung quanh việc hỗ trợ người gửi tiền; và Washington tập trung vào thắt chặt các quy tắc cho lĩnh vực ngân hàng thay vì ra tay cứu trợ thêm.

Tìm bên mua lại SVB

Việc ngân hàng lớn thứ 16 của nước Mỹ sụp đổ đã gây bất ngờ cho các nhà quản lý. FDIC đã đóng cửa ngân hàng ngay giữa ngày 10/3, thay vì đợi thị trường đóng cửa.

Cuối tuần đó, chính quyền lên tiếng đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi của SVB và bắt đầu triển khai cơ sở thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng, nhưng không tìm được bên mua lại SVB.

Thượng nghị sĩ Bill Hagerty thuộc đảng Cộng hòa tại bang Tennessee cho biết, ông không thể tưởng tượng được FDIC lại cho rằng việc đấu giá mua lại SVB thất bại sẽ tốt hơn. Theo ông, nếu FDIC bán được SVB, thị trường có thể đang giao dịch với một ngân hàng hoàn chỉnh, chứ không phải một mớ hỗn độn như hiện nay.

Theo hai nguồn tin trong ngành, FDIC chỉ bắt đầu tiếp xúc với những bên mua tiềm năng hay cho phép các ngân hàng xem xét tình hình tài chính của SVB vào cuối ngày thứ Bảy (11/3). Người phát ngôn của FDIC từ chối bình luận về thông tin này.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tại bang Ohio, Sherrod Brown, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng tại Thượng viện cho biết, các cuộc tiếp xúc giữa ông với các cơ quan quản lý hàng đầu cho thấy đã có cơ hội để một bên tư nhân mua lại SVB. Nhưng họ đã rút lui trong quá trình thẩm định hoặc FDIC không cho rằng họ đã có khả năng mua được SVB.

Một nguồn tin chính phủ lưu ý rằng FDIC chỉ có thể theo đuổi các thỏa thuận ít tốn kém nhất cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của mình, điều này hạn chế các lựa chọn nhanh chóng bán đi SVB.

FDIC dự kiến sẽ công bố các bước tiếp theo đối với khối tài sản của SVB vào cuối tuần này.

Những thông điệp về bảo vệ tiền gửi

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã tìm cách trấn an người gửi tiền, cam kết khắc phục các hạn chế về kỹ thuật và pháp lý. Song bà cũng làm rõ rằng Chính phủ Mỹ không có ý định cứu trợ các ngân hàng “ốm yếu”.

Thị trường đã phản ứng dữ dội trước những bình luận của bà Yellen trong tuần này, vì nó làm dấy lên những tranh cãi xung quanh việc chính quyền Tổng thống Biden sẽ chấp nhận đi xa tới đâu để bảo vệ người gửi tiền và hệ thống ngân hàng.

Chính quyền cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ người gửi tiền mà không gây rủi ro cho tiền của người đóng thuế hoặc phải bảo lãnh cho các ngân hàng.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính phủ sẽ sử dụng các công cụ sẵn có để củng cố niềm tin cho người dân Mỹ về tiền gửi của họ.

Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cũng lưu ý rằng tình hình tiền gửi đã ổn định tại các ngân hàng khu vực, thâm chí trong một số trường hợp đã ghi nhận mức tăng khiêm tốn.

Ưu tiên trợ giúp hay thắt chặt quy định?

Trong khi ngành ngân hàng đang nỗ lực kêu gọi chính quyền đưa ra những biện pháp cứu trợ sâu rộng để xoa dịu thị trường, Washington lại đang thảo luận về cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Theo giới chuyên gia, Washington vẫn bị ám ảnh bởi bóng ma từ sự can thiệp của chính phủ sau sự sụp đổ của ngành ngân hàng đã gây ra cuộc Đại suy thoái hồi năm 2008, khiến các nhà lãnh đạo của cả hai đảng quyết tâm tránh lặp lại thời kỳ đó. Các gói cứu trợ khổng lồ được khởi xướng dưới thời Tổng thống George W. Bush và tiếp tục dưới thời Tổng thống Barack Obama được cho là đã hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng gây ra phản ứng dữ dội của quần chúng đến mức dẫn tới những thay đổi đáng kể trong nền chính trị Mỹ.

Ông Todd Phillips, cựu luật sư của FDIC chia sẻ rằng ông cảm giác các cơ quan quản lý nhận định tình hình lần này đều nằm trong tầm kiểm soát của họ, dù các ngân hàng mong muốn chính phủ có thêm hành động.

Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu ban hành luật để dễ dàng thu lại tiền lương và lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu mà các ngân hàng phá sản dành cho các quản lý cấp cao.

Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng cường các quy tắc áp lên các ngân hàng khu vực. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng chính phủ cần tăng cường giám sát, quản lý ngành ngân hàng Mỹ và ông ủng hộ những động thái này.

Ông Powell cũng lưu ý rằng dòng tiền gửi “đã ổn định trong tuần qua sau “những hành động mạnh mẽ” từ Fed để ngăn chặn rủi ro lây lan trong hệ thống.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE