Không để gián đoạn kiểm định xe ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, trình sửa đổi ngay Nghị định 139/2018/NĐ-CP trên cơ sở những tồn tại, lỗ hổng để xảy ra các sai phạm thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16/1, tại Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Cục Đăng kiểm Việt Nam là đơn vị đang thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến kiểm định các phương tiện đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, tàu biển, khối lượng công việc lớn, đa dạng nhưng rất phức tạp.

Tuy nhiên với những sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thức những sai phạm và nghiêm túc sửa chữa bởi, vụ việc xảy ra cho thấy những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức thực hiện đăng kiểm.

Những ngày cận Tết, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại phục vụ nhân dân rất lớn, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tích cực khắc phục, tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, không để gián đoạn công tác kiểm định xe, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cần rà soát lại 4 vấn đề lớn nhằm khắc phục những bất cập trong công tác kiểm định xe cơ giới. Cụ thể, xây dựng thể chế, ban hành các quy định liên quan đến đăng kiểm, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp phân quyền. Cùng với đó, đào tạo nguồn nhân lực vừa có trình độ vừa có đạo đức; đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, phần mềm, xưởng… đáp ứng điều kiện hoạt động.

Bộ trưởng cũng lưu ý, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, trình sửa đổi ngay Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên cơ sở những tồn tại, lỗ hổng để xảy ra các sai phạm thời gian qua. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi phải làm việc với các địa phương, bộ, ngành để có những góp ý toàn diện, thống nhất, điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm quản lý thanh tra, kiểm tra, xây dựng quy định tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới, có đủ tiền kiểm, hậu kiểm một cách cụ thể, chi tiết; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quan trọng này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở đăng kiểm không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm pháp luật. Song song với đó, tập trung nguồn nhân lực vận hành trở lại các trung tâm đăng kiểm phục vụ nhu cầu người dân, có vướng mắc gì phải trao đổi ngay với lãnh đạo Bộ để có phương án tháo gỡ.

Về nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam làm tốt công tác xây dựng Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, phát huy vai trò của Ban lãnh đạo Cục trong việc xây dựng chiến lược phát triển Cục Đăng kiểm Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của xã hội.

Cùng đó, đoàn kết, tạo khí thế mới trong lao động; bám sát quy định, hướng dẫn của Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước làm nền tảng cho mọi hoạt động; đảm bảo kỷ cương nề nếp trong hoạt động nhiệm vụ, công vụ trong các lĩnh vực đăng kiểm.

Cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá lại thực trạng hoạt động của Cục và nghiên cứu đề xuất tách bạch chức năng quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động đăng kiểm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, đơn vị; kịp thời phát hiện để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, xử lý vi phạm ngay từ khi mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng...

Thời gian qua, cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang…

Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra chiều 16/1, tại Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra chiều 16/1, tại Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ngày 11/1, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công an TP.HCM cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.

Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng. Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.

Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.

"Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân," Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE