Khủng hoảng tiền điện tử khẳng định sự bền vững của ngân hàng truyền thống

Suy thoái của thị trường tiền điện tử trong năm nay đang cho thấy hệ thống ngân hàng truyền thống không hề mất đi vai trò và vị thế.
Đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Bình luận về những biến động mới đây của thị trường tài chính ảo, nhật báo Les Echos cho rằng sự suy thoái của thị trường tiền điện tử (cryptocurrency) và những khó khăn mà lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) phải đối mặt trong năm nay đang cho thấy hệ thống ngân hàng truyền thống không hề mất đi vai trò và vị thế của mình. Hệ thống này đã chứng tỏ sự vững chắc, nghiêm túc và đáng tin cậy khi phải đối mặt với những nhân tố mới.

Kể từ khi nền tảng trao đổi tiền điện tử FTX đổ vỡ và bất ngờ tuyên bố phá sản cách đây một tháng, các ông chủ ngân hàng truyền thống đã có dịp nhắc đến những điều tồi tệ mà họ từ lâu đã nghĩ về "tiền điện tử". Thậm chí không cần đợi sự kiện FTX xảy ra, Jamie Dimon, CEO của ngân hàng lớn nhất thế giới JP Morgan, đã thẳng thắn chỉ trích sân chơi mới này trong lần trả lời phỏng vấn của Les Echos trước đó.

Ông nói: "Tiền điện tử chưa bao giờ là tiền tệ, mà là những đồng phỉnh (dùng trong đánh bạc). […] Trong nhiều trường hợp, có vẻ như đó là một mô hình đa cấp kiểu Ponzi phi tập trung. Đó là một sòng bạc và thậm chí trong một số trường hợp, là một trò gian lận. Sự phát triển của nó làm tôi sốc!".

Nhiều lãnh đạo các ngân hàng Pháp cũng không ngần ngại lên án loại tiền ảo này. Philippe Heim, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Bưu điện Pháp (La Banque Postale), trong hội nghị do Cơ quan giám sát ngân hàng của Pháp tổ chức hồi đầu tháng 12, đã phê phán rằng: "Tiền điện tử là đầu cơ thuần túy. Đầu tư vào những tài sản này không thể hiện bất kỳ đóng góp tích cực nào cho nền kinh tế thực".

Đối với các ngân hàng thì "mùa Đông tiền điện tử" đã diễn ra từ gần một năm nay kể từ khi thị trường bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số thay thế khác bắt đầu chuyển hướng xấu. Trong khi những người chơi tiền ảo như FTX mơ ước thách thức hệ thống tài chính truyền thống thì cho đến nay, hệ thống này vẫn chứng tỏ được sự bền vững với tính hợp pháp và đáng tin cậy. "Các cơ sở tài chính truyền thống ở giai đoạn này ít chịu ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của bong bóng đầu cơ tiền ảo", một chủ ngân hàng người Pháp chia sẻ.

Cũng chính những ngân hàng này, bình thường hay phản đối sự kiểm tra, theo dõi quá mức của các tổ chức giám sát đối với họ, giờ lại muốn vận động để có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thế giới tiền ảo. CEO Jamie Dimon cảnh báo: "Tiền điện tử phải được quản lý hoặc xóa bỏ".

François Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, cũng đồng tình với đề nghị này và cho rằng: "Rõ ràng việc lặp đi lặp lại các sự cố trên thị trường tiền ảo đòi hỏi phải tăng cường sự giám sát".

Không chỉ hài lòng khi thấy thế giới của tiền điện tử chao đảo, các ngân hàng truyền thống cũng cảm thấy "vui mừng" trước những khó khăn mà các công ty công nghệ tài chính gặp phải kể từ đầu năm 2022.

Vào những năm 2020-2021, trong bối cảnh giãn cách do dịch bệnh, công nghệ tài chính trực tuyến đã được các nhà đầu tư khen ngợi. Nhưng đến giai đoạn hậu COVID-19, với việc đồng tiền lưu thông dễ dàng hơn, lãi suất tăng và khả năng sinh lời lớn thì giới fintech đã phải chứng kiến giá trị của mình giảm mạnh vào năm 2022.

Klarna, công ty fintech hàng đầu của Thụy Điển về cung cấp các dịch vụ tài chính trực tuyến, đã để mất 85% giá trị vào tháng 7 vừa qua, giảm xuống còn 6,5 tỷ USD. Một số ngân hàng kỹ thuật số cũng đã thấy tương lai của mình mờ nhạt hơn. Chẳng hạn như ngân hàng trực tuyến N26 của Đức đã buộc phải giảm tốc độ tăng trưởng để tuân thủ tốt hơn các quy tắc trong cuộc chiến chống gian lận và rửa tiền.

Mặc dù hài lòng trước thất bại của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường ảo, các chủ ngân hàng truyền thống vẫn đề cao cảnh giác và không phủ nhận xu hướng phát triển của loại hình này. Họ cho rằng tuy một số thị trường ảo có thể đảo chiều, nhưng sự phát triển của thế giới cryptocurrency và fintech là tất yếu và lâu dài. "Tiền điện tử không chết. Các công nghệ tài chính về cơ bản cũng rất hay. Nhưng việc sử dụng chúng cần phải được cải thiện và giám sát chặt chẽ", một chuyên gia ngân hàng đầu tư xác nhận.

Thậm chí, nhiều ngân hàng còn tìm kiếm các cơ hội phát sinh trong bối cảnh này. Sự sụp đổ của FTX và sự thất vọng về tiền điện tử đã kích thích sự thèm muốn của Goldman Sachs. Ngân hàng đầu tư nổi tiếng của Mỹ cho biết họ sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để thực hiện các thương vụ mua lại với giá rẻ.

Về phần mình, các ngân hàng Pháp rất quan tâm đến công nghệ blockchain. Họ cũng sẵn sàng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech nếu nhận thấy cuộc chơi có lợi hoặc ít nhất là không ảnh hưởng đến túi tiền của họ.

Sự năng động của công ty dịch vụ tài chính Société Générale là một minh chứng cụ thể. Công ty con chuyên biệt Forge của họ hoạt động rất tốt. Mới đây, Société Générale đã mua lại PayXpert mới thành lập, chuyên về thanh toán. Ngân hàng này cũng không loại trừ khả năng sẽ triển khai loại hình lưu ký tài sản tiền điện tử trong tương lai.

Về phần mình, ngân hàng BNP Paribas cũng đã dấn thân vào lĩnh vực fintech, từ tháng 10, khi thành lập Kantox, công ty chuyên quản lý tự động rủi ro ngoại hối.

Việc số hóa các dịch vụ tài chính vẫn trên đà phát triển và mối đe dọa của những nhân tố mới sẽ luôn tồn tại. Các ngân hàng truyền thống rất biết điều này. Nhưng nếu có thể có được các thỏa thuận giao dịch có lợi và chắc chắn, họ sẽ không ngần ngại tham gia cuộc chơi.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE