Kiểm toán nhà nước “soi” dự án Vành đai 3 TP.HCM

Giá đất đền bù GDPMB cao gấp 1,7 lần đất dự kiến đấu giá, phương án tài chính và hình thức đầu tư đều đang có chỗ “khó hiểu”...
Quy hoạch tổng thể tuyến vành đai 3 TP.HCM. Nguồn: Sở GTVT TP.HCM
Quy hoạch tổng thể tuyến vành đai 3 TP.HCM. Nguồn: Sở GTVT TP.HCM

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được gửi đến Quốc hội, phục vụ việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ, không có làn dừng khẩn cấp

Theo báo cáo thì dự án đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, KTNN thống nhất với nội dung về sự cần thiết đầu tư dự án được nêu trong Tờ trình số 206/TTr-CP ngày 23/5/2022 của Chính phủ.

Tuy nhiên, KTNN cho rằng Tờ trình chưa làm rõ sự cần thiết phải đầu tư phần đường song hành hai bên đường Vành đai. KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ sự cần thiết của hệ thống đường song hành do việc kết nối liên vùng đã được đảm bảo bởi tuyến cao tốc và tuyến đường cao tốc chủ yếu đi trên cao nên không ảnh hưởng nhiều tới mạng lưới giao thông hiện trạng.

Về phương án mặt cắt ngang: Theo hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì mặt cắt ngang của các đoạn đi thấp trong giai đoạn phân kỳ đang thiết kế dốc 2 mái mà chưa nghiên cứu, tính toán phương án thiết kế dốc 1 mái (tương tự mái dốc mặt đường của đoạn trên cao) để giảm chi phí bê tông nhựa bù vênh trong giai đoạn hoàn thiện (nếu sử dụng phương án thiết kế dốc 1 mái sẽ tiết kiệm khoảng 250 tỷ đồng theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng năm 2021).

Phần tuyến chính cao tốc, đang phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ 80km/h, tổng bề rộng mặt cắt ngang 19,75m nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp. Việc không bố trí làn dừng xe khẩn cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ bị ùn tắc khi có phương tiện chết máy trên đường.

Từ các đánh giá nêu trên, KTNN đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát lại phương án thiết kế sơ bộ để lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án.

Rà soát lại khái toán chi phí GPMB

“Soi” sơ bộ tổng mức đầu tư, KTNN chỉ ra rằng, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT), đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư trên địa bàn TP.HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá, cụ thể: TP.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác GPMB là 26 triệu đồng/m2 (10.040 tỷ đồng/38,5 ha).

Diện tích đất dân cư tính toán đền bù tại tỉnh Bình Dương cao hơn diện tích trong thuyết minh BCNCTKT là 11,2 ha và làm tăng chi phí GPMB lên 1.677 - 3.920 tỷ đồng (diện tích tính toán đền bù là 30 ha trong khi diện tích trong BCNCTKT là 18,78 ha, giá đền bù tính toán tại Bình Dương là 15 – 35 triệu đồng/m2).

Ngoài ra giá đền bù đất nông nghiệp tại Bình Dương đang được xác định trong BCNCTKT cao gấp 6 lần các địa phương lân cận (trung bình giá đền bù đất nông nghiệp tại TP.HCM là 3,3 triệu/m2, Long An là 2,1 triệu/m2; Đồng Nai là 2,9 triệu /m2).

Theo đó, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí GPMB để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Rà soát lại phương án tài chính

Về vốn, đây là dự án sử dụng cả nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

Báo cáo nêu rõ, mặc dù HĐND các địa phương đã có nghị quyết cam kết bố trí vốn cho dự án, tuy nhiên theo Văn bản số 622/UBND-DA ngày 01/3/2022 của UBND TP.HCM thì nguồn vốn địa phương lại chủ yếu được đến từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường của dự án.

Theo tiến độ bố trí vốn thì nguồn vốn địa phương tập trung nhiều trong năm 2023-2024 trong khi thời điểm này khó có thể tổ chức đấu giá đất thành công hoặc đấu giá thành công với mức giá thấp do dự án đang trong giai đoạn thi công.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương một cách kịp thời cần có các giải pháp cụ thể, chủ động hơn (Tờ trình số 206/TTr-CP ngày 23/5/2022 mới chỉ xác định trong trường hợp cần thiết báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu địa phương để đảm bảo nguồn vốn của dự án).

Với hình thức đầu tư của dự án, KTNN phân tích, Chính phủ trình Dự án sử dụng 100% vốn đầu tư công do theo tính toán trong phương án tài chính (PATC) để thu hồi vốn cho nhà đầu tư BOT (13.806 tỷ đồng, tương ứng với 50% giá trị đường cao tốc không bao gồm chi phí GPMB và xây dựng đường song hành) mất 28 năm và được đánh giá là không khả thi. Trong khi, tại dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội suất đầu tư cao hơn 1,2 lần (Dự án Vành đai 4 trung bình 513 tỷ đồng/km; dự án Vành đai 3 trung bình 442 tỷ đồng/km) và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng Vành đai 3 (dự kiến đến năm 2040 lưu lượng phương tiện trung bình của vành đai 4 là 50.000 CPU/ngày/đêm; vành đai 3 là 62.500 CPU/ngày/đêm) nhưng PATC tính toán khả thi với thời gian thu phí 21 năm.

KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát lại phương án tài chính đảm bảo lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Về tiến độ, tờ trình nêu: “Chuẩn bị dự án: năm 2022-2023; GPMB, tái định cư: từ quý 3/2022 – hoàn thành vào quý 2/2024; xây lắp khởi công quý 4/2023; cơ bản hoàn thành đường cao tốc năm 2025 hoàn thành toàn dự án năm 2026”.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án hoàn thành theo kế hoạch, theo KTNN, Chính phủ cần đưa ra mốc thời hạn hoàn thành từng nội dung của dự án và các bên tham gia thực hiện dự án phải cam kết thực hiện đúng thời hạn quy định tương tự như Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã thực hiện như: mốc thời gian hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác GPMB, công tác thiết kế dự toán, công tác lựa chọn nhà thầu…

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE