Kiều bào Việt "đau đáu" nỗi niềm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất mẹ

Kiều bào Việt "đau đáu" nỗi niềm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất mẹ

"Nếu như đất nước thứ 2 nơi tôi đang sinh sống họ sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi thì tôi rất mong đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng có thể hỗ trợ để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển...".

Tối 14/2, tại Hà Nội, Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp vừa được tổ chức dưới dự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Ngoại giao.

Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực và hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sự kiện được hai bộ đồng tổ chức nhằm tri ân sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Qua đó, kỳ vọng kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

"Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo chương trình quốc gia "Mỗi phường xã một sản phẩm" của Việt Nam", ông Nam nói.

Tại sự kiện, nhiều kiều bào là lãnh đạo các hội doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài, những Việt kiều đã trở về quê hương đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp... đã có các chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất với Bộ NN&PTNN cũng như trực tiếp Bộ trưởng Lê Minh Hoan về con đường xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tại điểm cầu Bộ NN&PTNT

Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tại điểm cầu Bộ NN&PTNT

ĐỂ ĐƯA NÔNG SẢN VIỆT RA THẾ GIỚI, DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT NẮM BẮT CƠ HỘI

Phần chia sẻ đầu tiên tại diễn đàn đến từ đại diện của Pacific Foods - một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đưa nước mắm Việt tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng như xúc tiến đưa vải thiều sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, hay xuất gạo ST25 sang Canada và Vương quốc Anh.

Khẳng định có một tình yêu to lớn với nông nghiệp, coi việc đưa sản phẩm nông sản Việt ra quốc tế là một vinh dự, niềm tự hào, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Pacific Foods đã đưa ra 8 kiến nghị, đề xuất để đưa góp phần đưa nông sản Việt ra thế giới trong bối cảnh khó khăn do trong và hậu dịch COVID-19.

Đầu tiên là kiến nghị về cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ 2 là về chính sách về tín dụng ngân hàng. Ông Linh kiến nghị cho phép doanh nghiệp nông nghiệp được tạo cơ chế để phát hành trái phiếu với lãi suất thấp trong vòng 3-5 năm để tạo nguồn vốn, tái cơ cấu sản xuất, sớm phục hồi sau đại dịch.

Thứ 3 là có chính sách tổng thể hỗ trợ người lao động, trong đó có vấn đề bảo hiểm. Về kiến nghị này, ông Linh cho biết sẽ xin gửi trực tiếp tới bộ, ngành liên quan.

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Pacific Foods. Ảnh: NNVN

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Pacific Foods. Ảnh: NNVN

Thứ 4 là phối hợp nguồn lực của Chính phủ như xem xét giảm ít nhất 20% tiền điện; giải quyết các vấn đề tổng thể liên quan tới việc làm, cũng như dịch chuyển nguồn lao động.

Thứ 5 là kiến nghị liên quan đến chiến lược quản trị quốc gia trong dài hạn. Cần có biện pháp huy động và tập hợp trí tuệ của chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để tư vấn xây dựng các kịch bản vừa phòng chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế trong dài hạn.

Theo ông Linh, các kế hoạch này cần được nhìn xa hơn, dự báo xa hơn. Các tình huống cần được tiên liệu toàn diện, cụ thể hơn từ nhiều góc độ. Các biện pháp, kế hoạch cần được thiết kế sát thực tế, nhìn nhận thấu đáo hơn.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần có các đầu mối tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng để tập hợp trình Chính phủ xem xét và có những chỉ đạo kịp thời.

Thứ 6 là kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, như xin cơ chế xuất khẩu gạo trực tiếp, thay vì xuất qua một đơn vị khác vì không đủ tiêu chí xuất khẩu.

Thứ 7 là kiến nghị cơ chế bảo trợ truyền thông, xử lý khủng hoảng tầm quốc gia, quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp. Ông Linh lấy ví dụ về việc nước mắm từng bị cho là nhiễm asen. Dù chỉ một số sản phẩm nằm trong khu vực bị nhiễm, nhưng hầu như tất cả doanh nghiệp liên quan đều bị ảnh hưởng.

Cuối cùng là về cơ chế hỗ trợ về phí, thủ tục với doanh nghệp sản xuất nông nghiệp trong dịch COVID-19 như miễn, giảm phí cầu đường, bởi nông sản dễ bị hư hỏng, cần được lưu thông kịp thời.

Ngoài ra, theo ông Linh, trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam được hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới. Song cùng với đó, hàng rào kỹ thuật sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Linh cho rằng cần có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp, trong đó có Pacific Foods phát triển hơn nữa trong tương lai.

CẦN TẬN DỤNG TỐT HƠN QUAN HỆ CỦA NHỮNG DOANH NGHIỆP NƯỚC NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Ông Nguyễn Ngọc Luận, chủ thương hiệu Meet More Coffee - một Việt kiều Úc sinh ra và lớn lên tại tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bắt đầu phần phát biểu tại diễn đàn của mình bằng kỷ niệm năm 2014 khi trở lại Việt Nam chứng kiến cảnh trái thanh long long đong, lận đận trong cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Ông Luận đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh và thuận lợi riêng với những loại trái cây rất giàu chất dinh dưỡng, vitamin mà chỉ chúng ta mới có. Điều này cũng đã được bạn bè quốc tế ghi nhận. Trong khi đó chúng ta hiện tại chưa biết cách khai thác hết tiềm năng, mới chủ yếu xuất thô một phần, một phần khác thì dùng sử dụng hằng ngày.

"Khi chúng ta bị lệ thuộc vào một thị trường nào đó thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều giá trị của sản phẩm", ông Luận nói.

Từ sự thành công bước đầu khi phát triển "cà phê nông sản Việt" của Meet More, ông Luận chia sẻ chính sự khác biệt của mình đã góp một phần công sức vào việc giải nhiều bài toán hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, theo ông Luận, nhìn chung ngành nông nghiệp chủ yếu hiện mới chỉ dừng ở mức tự phát và thiếu yếu tố mang tính bền vững. Để thay đổi, ông Luận kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường.

Đồng thời cần xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn cho việc tuyên truyền "Người Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt Nam", ông Luận nhìn nhận.

Trong bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt, Giám đốc điều hành Meet More Coffee cho rằng cần đề cao chế biến sâu, để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế.

Về một số đề xuất, giải pháp cụ thể, ông Luận nêu ra 3 điểm.

Đầu tiên, với lãnh sự quán tại các nước, theo ông Luận nên giao chỉ tiêu cho phòng thương mại ở nước sở tại về việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại nông sản.

Cùng với đó, nên xây dựng các phòng trưng bày về nông sản Việt tại nước ngoài; kết hợp liên kết các hội cựu sinh viên, cộng đồng người Việt tại nước sở tại.

Thứ 2, với hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài, cần xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để nắm bắt và tổ chức được các buổi giao thương, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người Việt tự hào hơn khi sử dụng hàng Việt Nam.

Thứ 3, với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Luận nhận thấy chúng ta đang dành cho họ rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, quay trở lại thì phải có điều kiện ràng buộc với họ khi được hưởng những ưu đãi từ chính sách đầu tư. Chẳng hạn như yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có sự hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản ra nước ngoài, tới nước sở tại hay địa điểm tại nước ngoài trong hệ thống kinh doanh của họ.

“Rất mong ngày càng có nhiều doanh nghiệp, địa phương, bộ, ngành quan tâm hơn để biến thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam thực sự mạnh, không cần phải giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ và lệ thuộc vào thị trường cụ thể nào mà hãy quay lại phục vụ thật tốt cho chính thị trường trong nước”, ông Luận nhấn mạnh khi kết thúc phần trình bày.

"KHÔNG PHẢI CỨ HỄ ĐỀ ÁN NÔNG NGHIỆP THÌ LÀ ĐỂ... XIN ĐẤT"

Trong không khí của buổi gặp mặt đầu xuân, bà Hồng Shurany - một Việt kiều đã sinh sống tại Israel 20 năm rưng rưng xúc động khi nhắc lại quãng thời gian đầu xa quê hương, đến một đất nước xa xôi mà hầu như không hề biết đến Việt Nam.

5 năm qua, bà Hồng Shurany cho biết đã đầu tư rất lớn để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Isarel tại Việt Nam, cụ thể là các tỉnh Tây Nguyên vì có nhiều điều kiện tương đồng và phù hợp.

Theo bà Hồng, Israel hiện thực sự đã trở thành một đất nước có nền nông nghiệp rất phát triển, hàng đầu thế giới. Đây là một nền nông nghiệp quy mô, làm việc theo các hội nhóm và hợp tác xã, trong đó Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Israel luôn đứng sau đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Từ đánh giá vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy sống" khi phát triển nông nghiệp, bà Hồng cho biết muốn đem ứng dụng nông nghiệp cao của Israel về Việt Nam không chỉ cho các doanh nghiệp mà ngay chính người dân. Bởi chỉ khi người dân thực hiện được theo đúng tiêu chuẩn thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới có thể rộng đường khi bước ra thế giới.

“Tôi cũng đã đưa các chuyên gia người Israel về Việt Nam. Họ có nói rằng Việt Nam của các bạn là đất nước phải phát triển nông nghiệp. Tại sao đến nay vẫn chưa phát triển. Và tôi đã và đang cố gắng để góp phần làm nên điều đó”, bà Hồng Shurany bày tỏ quyết tâm.

Nhìn từ 2 năm đại dịch vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản Việt Nam đã phải đổ bỏ rất nhiều, trong khi đó nông sản, trái cây của Israel lại có giá hơn, xuất khẩu ra thế giới được nhiều hơn, Đây là một thực trạng rất đau lòng.

Từ điều kiện để phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, nữ Việt kiều đưa ra 7 kiến nghị để nền nông nghiệp Việt Nam có thể cất cánh như Israel.

Bà Hồng Shurany, Việt kiều Israel. Ảnh: NNVN

Bà Hồng Shurany, Việt kiều Israel. Ảnh: NNVN

Thứ nhất, bà Hồng cho rằng Việt Nam cần thực hiện tốt 3 chiến dịch: Thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu các thị trường nông sản tạo ra 1 cuộc cách mạng nông nghiệp mới; Thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi thế về thuế - hải quan, thuế suất mới từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); Thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp.

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel.

Thứ ba, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng… Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa.

Một lần nữa bà Hồng nhắc lại việc cần khai thác tốt thế mạnh từ các FTA đã ký; đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp. Đặc biệt chú trọng nguồn lực từ quan hệ Việt kiều, ví dụ Nhà nước ưu tiên cho hoạt động đầu tư nông nghiệp mô hình công nghệ cao của Israel vào Việt Nam, phối hợp cấp quốc gia giữa hai nhà nước Israel và Việt Nam để làm từng vùng nông nghiệp lớn cho Việt Nam.

Thứ tư, cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản.

Thứ năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

Thứ sáu, bà Hồng đánh giá mô hình thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện chưa được đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp.

Nếu như đất nước thứ 2 nơi tôi đang sinh sống họ cũng sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi thì tôi rất mong đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng có thể tạo điều kiện cho tôi...

Bà Hồng Shurany, Việt kiều Israel

Về vấn đề này, gửi chia sẻ tới đích danh Bộ trưởng Lê Minh Hoan đang ngồi trong hội trường, bà Hồng cho biết trước đây khi đến làm việc với lãnh đạo một số tỉnh Tây Nguyên: "Cứ đi vào họp là người ta cứ nghĩ là tôi đi vào đấy họp với đề án nông nghiệp là để xin đất của các tỉnh đấy...".

"Thực sự là chúng tôi không phải như thế", bà Hồng khẳng định. Đồng thời, bà cho biết đã nói thẳng với các tỉnh này là không đến để xin đất, chỉ muốn đến để đầu tư, doanh nghiệp đã có quỹ đất sẵn rồi.

Bà Hồng kiến nghị Bộ trưởng Nông nghiệp quan tâm hơn tới hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ về mặt pháp lý "đơn giản nhất, tối thiểu nhất có thể" để doanh nghiệp sớm có thể đưa những giống mới, mô hình nông nghiệp công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.

Cuối cùng, theo bà Hồng, cần tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ”, giá trị cục bộ địa phương trong sản xuất, logistics, thương mại...

Khép lại phần chia sẻ, một lần nữa bà bày tỏ khát vọng đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Isarel triển khai tại Việt Nam. Bà Hồng tâm sự đã tìm được những đối tác bản xứ sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện. Ngay cả Bộ Nông nghiệp Isarel khi làm việc với doanh nghiệp của bà cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng.

"Nếu như đất nước thứ 2 nơi tôi đang sinh sống họ sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi thì tôi rất mong đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng có thể tạo điều kiện cho tôi để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn. Để giúp người nông dân phải đổ bỏ đi hàng container trái cây như thế nữa...", nữ Việt kiều Hồng Shurany xúc động bày tỏ.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

"Bà con Việt kiều chính là cầu nối, kết nối, thổi hồn những giá trị văn hóa của người Việt vào trong các sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tình cảm quê hương mà cả những người sản xuất trong nước cũng như Việt kiều trên các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nông sản rất có giá trị của Việt Nam", Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận.

Đọc tiếp

Triển lãm “Non Stop House” tại TP. Hồ Chí Minh

Triển lãm “Non Stop House” tại TP. Hồ Chí Minh

“Non Stop Vinahouse” là một dự án truyện tranh, pha trộn giữa yếu tố hư cấu và phim tài liệu, nhằm mục đích làm nổi bật Vinahouse, một phong cách âm nhạc phóng khoáng đặc trưng của Việt Nam đang được mọi người ưa chuộng.

Chat với BizLIVE