Lãi suất huy động tiếp tục tăng khi vào mùa cao điểm

Không chỉ các ngân hàng nhỏ, một loạt các ngân hàng lớn cũng đang tăng mạnh lãi suất nhằm cạnh tranh nguồn tiền gửi khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lãi suất huy động đang tiếp tục tăng lên, khi thị trường bước vào những tháng cuối năm - giai đoạn cao điểm với nhu cầu thanh khoản tăng mạnh trong nền kinh tế.

Diễn biến tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục có xu hướng “nóng”; nhiều thành viên đã đưa mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần 1% trong khi lãi suất các kỳ hạn dài hơn được đẩy lên tới 10%/năm.

OceanBank là một ví dụ. Ngân hàng này mới đây triển khai chương trình “Ngày Vàng gửi tiền, rinh liền lãi Đỉnh” dành cho các khoản tiền gửi tiết kiệm VND trả lãi cuối kỳ được mở tại quầy.

Theo đó, với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, khách hàng được áp dụng mức lãi suất lên tới 10%/năm trong khi các khoản tiền gửi 6 tháng cũng được nhận lãi suất lên tới 9%/năm. Với mức lãi suất trên, OceanBank là một trong những ngân hàng có lãi suất tiền gửi cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, theo biểu lãi suất mới cập nhật ngày 21/11/2022 của ngân hàng PG Bank, mức lãi suất cao nhất đang được niêm yết là 9,6%/năm, dành cho khách hàng tham gia tiết kiệm điện tử kỳ hạn từ 13-36 tháng.

Trong khi đó, mức lãi suất cao nhất cho khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế gửi tiền có 1 sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi tại GPBank từ 100 triệu đồng trở lên được niêm yết là 8,95%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.

Tuy nhiên, khi tham gia gửi tiền tại quầy và đáp ứng đủ một số điều kiện về số dư tối thiểu cũng như là khách hàng hạng vàng, người gửi tiền còn có thể được cộng lãi suất lên đến 1,05%. Theo đó, mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng cũng lên tới 10%/năm.

Không chỉ các ngân hàng nhỏ, một loạt các ngân hàng lớn cũng đang tăng mạnh lãi suất nhằm cạnh tranh nguồn tiền gửi khách hàng.

Mới đây nhất, ngày 22/11, ngân hàng Techcombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới, trong đó, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được tăng thêm 0,3 điểm %/năm.

Theo đó, mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng hiện lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7 – 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi.

Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng cũng được áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 9%/năm, dành cho khách hàng VIP1 gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, mức lãi suất áp dụng dao động 8,4 – 8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần qua và là lần thứ 5 kể từ đầu tháng 11, Techcombank tăng lãi suất huy động tiền gửi.

Tương tự, tại VPBank, mức lãi suất cao nhất hiện đã được đẩy lên 9,4%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn 18 tháng, 24 thàng và 36 tháng, với số tiền gửi tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Tại MSB, mức lãi suất cao nhất đang được áp dụng lên đến 9,9%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng và gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng. Chương trình cũng giới hạn mỗi khách chỉ được mở 1 sổ tiết kiệm 1 lần và số tiền tối đa mỗi khách hàng có thể tham gia là 5 tỷ đồng.

Sacombank cũng đang chào mức lãi suất hấp dẫn lên tới 9,8%/năm dành cho khách hàng tham gia gói "tiết kiệm tăng bảo vệ - thêm tích lũy", kỳ hạn 36 tháng. Với tiền gửi thông thường, mức lãi suất cao nhất với hình thức tại quầy là 9%; lãi suất với hình thức gửi tiết kiệm online là 9,2%/năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống, đặc biệt là trong bối cảnh mùa cao điểm thanh toán đang tới gần.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE