Làm gì để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài khi áp thuế tối thiểu toàn cầu?

Chỉ còn hơn 8 tháng nữa là đến thời điểm Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực (1/1/2024). Chính vì vậy, tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang rất lo lắng về những tác động khi áp dụng quy tắc này. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hình minh họa
Hình minh họa

Kể từ năm 2024, một số quốc gia trên thế giới sẽ chính thức áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.

Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Hiện để chuẩn bị cho việc thực thi quy tắc này, Hàn Quốc đã quyết định thông qua Luật Thuế sửa đổi và dự kiến bắt đầu thực thi Quy tắc thuế tối thiểu từ ngày 1/1/2024; Nhật Bản cũng đã công bố dự thảo Đạo luật sửa đổi một phần Đạo luật thuế thu nhập trình Quốc hội, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4/2024; Anh đã thông qua dự Luật tài chính năm 2023 và dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Sát cạnh Việt Nam, các nước nhập khẩu nhiều vốn trong ASEAN (giống Việt Nam) cũng đang rốt ráo nghiên cứu chính sách mới để thích nghi với thuế tối thiểu toàn cầu.

Cụ thể, Singapore dự kiến thực hiện thuế bổ sung nội địa để điều chỉnh chế độ thuế doanh nghiệp, dự kiến áp dụng từ đầu 2025.

Thái Lan dự kiến xây dựng gói pháp lý về ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và các quy định hỗ trợ đầu tư như chi phí phát triển hạ tầng, giá điện trong 2023.

Nỗi lo của các nhà đầu tư

Là doanh nghiệp thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Canon Việt Nam cho biết, một trong những lý do khiến Canon đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam chính là được hưởng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời đối với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì rất có thể, Tập đoàn sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh khác.

“Nếu Canon dịch chuyển sản xuất sang nước khác, không chỉ Canon Việt Nam bị ảnh hưởng mà hơn 130 nhà sản xuất vệ tinh khác của Canon cũng bị ảnh hưởng”, bà Huyền lo ngại.

Tương tự, ông Kim Jin Seong, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 và hiện quy mô vốn đầu tư đã lên tới 20 tỷ USD và trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD. Tuy vậy, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024 sẽ khiến năng lực cạnh tranh của Samsung tại Việt Nam bị giảm sút.

“Để giảm thiểu những tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp FDI tăng đầu tư mới, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Kim Jin Seong đề xuất.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam đang rất băn khoăn về tác động của thuế thuế tối thiểu toàn cầu

Ông băn khoăn liệu việc áp dụng mức thuế này có làm giảm hoặc mất đi các ưu đãi về thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp này đang được hưởng theo quy định hiện hành hay không? Liệu Chính phủ Việt Nam có bù đắp trong trường hợp các ưu đãi thuế kém thuận lợi hơn hoặc trở nên kém hiệu quả do áp dụng mức thuế này hay không?

“Chính phủ nên lồng ghép thêm các ưu đãi dựa trên chi phí để khuyến khích các dự án mới trong các lĩnh vực đầu tư có chọn lọc như hỗ trợ chi phí cho năng lượng tái tạo, phúc lợi cho người lao động, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu - phát triển và chuyển giao công nghệ”, ông Greg Testerman đề xuất.

Tìm hướng đi phù hợp, hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, sau gần 35 năm thu hút FDI, Việt Nam đã và đang sử dụng ưu đãi thuế như một đòn bẩy quan trọng để thu hút đầu tư. Hiện tại, mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng ưu đãi với các mức thuế suất 10%, 15%, tùy lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư. Thậm chí, khi chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được ban hành vào năm ngoái, mức thuế suất ưu đãi chỉ còn 5%; 7%; 9%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng miễn, giảm thuế suất trong một thời gian nhất định.

Vì vậy, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp như miễn giảm thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15% không còn tác dụng. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian tới, các cấp, ngành có liên quan của Việt Nam sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp kịp thời và phù hợp nhằm góp phần hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn hình ảnh ổn định của môi trường đầu tư Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

“Sự thống nhất trong những đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, đó là cần nghiên cứu nội dung luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu để giành được quyền đánh thuế bổ sung, đồng thời ban hành các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới”, Thứ trưởng nêu rõ.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE