Lạm phát tại Mỹ tăng cao bắt đầu "thấm" vào KQKD một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam sang Mỹ đã có dấu hiệu sụt giảm, kéo doanh thu, lợi nhuận của một số doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm theo.
Tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu mang lại doanh thu lớn nhất trong tổng cơ cấu doanh thu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Ảnh minh họa)
Tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu mang lại doanh thu lớn nhất trong tổng cơ cấu doanh thu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trong tháng 6 lạm phát tại Mỹ tăng 9,1%, mức tăng cao chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ, nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó, khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Một số mặt hàng xuất khẩu tỷ đô đã bắt đầu chững lại

Là 1 trong 9 nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam sang Mỹ, song trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã ghi nhận mức giảm rõ nét. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ là 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021.

Trước đó, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, đặc biệt với các mặt hàng xuất khẩu chính đã ghi nhận xu hướng giảm khá mạnh từ trong tháng 5/2022. Theo đó, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ và Trung Quốc đều giảm rất mạnh.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, vẫn tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay giảm rất mạnh, với mức giảm hơn 21% chủ yếu do tác động bởi tình hình dịch bệnh và chính sách “Zero COVID” khiến việc thông quan gặp khó khăn.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ (chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam) tình trạng lạm phát quá cao cũng đang tác động không nhỏ tới ngành gỗ Việt Nam khi nhiều đơn vị nhập khẩu của nước này đã giảm mua đồ gỗ.

Một mặt hàng xuất khẩu tỷ đô khác của Việt Nam sang Mỹ là thủy sản cũng bắt đầu chững lại trong tháng 6. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu từ IRI và 210 Analytics cho thấy, lạm phát tại Mỹ tăng cao tiếp tục tác động đến doanh số bán thủy sản tươi sống tại các cửa hàng tạp hóa ở nước này. Bên cạnh đó, doanh số bán thủy sản đông lạnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng trong tháng 6, nhưng không giảm nhiều bằng doanh số bán hải sản tươi sống.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 - Nguồn: VASEP

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 - Nguồn: VASEP

Dù tăng trưởng đang chững lại nhưng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6/2022 vẫn mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD, tương đương so với tháng 5/2022 và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VASEP, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu nên doanh số xuất tôm trong tháng 6/2022 chỉ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn 7% đạt 450 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thuỷ sản.

Trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ, đạt gần 220 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 25% doanh số xuất khẩu thuỷ sản.

Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6/2022 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43%. Tổng xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm tăng 56% đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% xuất khẩu thuỷ sản. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt trên 68 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Tính đến hết nửa đầu năm, sản phẩm nhuyễn thể chân đầu mang về kim ngạch 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6% doanh số xuất khẩu thuỷ sản,…

Doanh thu của VHC, MPC giảm tốc tại thị trường Mỹ

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chiếm tới 50% tổng doanh thu của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (VHC) trong 6 tháng đầu năm và giá bán tại này cũng là cao nhất trong tất cả các thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao tại Mỹ, doanh thu cá tra của Vĩnh Hoàn đã giảm mạnh trong tháng 6.

Theo kết quả kinh doanh tháng 6 vừa công bố, Vĩnh hoàn ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.063 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Song so với tháng 5, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn lại giảm 30%. Trong đó, doanh thu cá tra sụt giảm 41% về 608 tỷ đồng, bên cạnh các mức giảm của sản phẩm phụ, bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng cũng như bún gạo.

Trong tháng 6, thị trường Mỹ cũng chứng kiến bước thụt lùi trong doanh thu so với tháng 5, giảm 59%. Trong khi, thị trường châu Âu và Việt Nam chỉ giảm nhẹ lần lượt 5% và 1%. Bù lại, thị trường Trung Quốc chứng kiến mức tăng 19%.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của VHC
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của VHC

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá bán và sản lượng xuất khẩu phi lê trong tháng 6/2022 lần lượt giảm 10% và 20% so với tháng trước khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang giảm tốc dưới áp lực lạm phát và hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đang dồi dào sau đợt nhập khẩu ồ ạt khiến các nhà nhập khẩu giảm đơn đặt hàng mới.

VDSC cho rằng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ dần hồi phục trong những tháng tới do lượng hàng tồn kho cao được tiêu thụ dần và đơn đặt hàng sẽ tăng trở lại để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ khó có thể quay trở lại mức đỉnh của quý 2/2022.

Theo VDSC, động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ đến từ thị trường Trung Quốc nếu nước này dỡ bỏ lệnh đóng cửa. Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó bù đắp cho mức giảm tại thị trường Mỹ. Do đó, VDSC lo ngại tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của Vĩnh Hoàn có thể giảm tốc so với 6 tháng đầu năm.

VDSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của Vĩnh Hoàn lần lượt ở mức 14.596 tỷ đồng và 2.159 tỷ đồng; tăng lần lượt 61% và 96% so với năm 2021.

Trong khi đó, SSI Research cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Công ty chứng khoán này dự phóng năm 2022 Vĩnh Hoàn sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 13.500 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ) và 2.000 tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm, ở mức 30% so với cùng kỳ.

Tương tự Vĩnh Hoàn, xuất khẩu thủy sản của "vua tôm" Minh Phú (MPC) sang thị trường Mỹ cũng chứng kiến sự sụt giảm do chi phí gia tăng trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 6, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú cho biết năm 2021 thị trường xuất khẩu của công ty sang Mỹ lớn nhất với 221 triệu USD (chiếm 34%), nhưng trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4 với hơn 42 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản lại đứng đầu với 126 triệu USD, thị trường EU vẫn giữ nguyên vị trí.

Theo Tổng giám đốc Minh Phú, thị phần tại thị trường Mỹ giảm chủ yếu là do các chi phí tại Mỹ tăng hơn nhiều lần mặc dù thuế có giảm đôi chút. Ông cho rằng, kinh doanh tại Mỹ không có lợi nhuận nên sẽ giảm thị phần tại nước này. Thay vào đó, công ty sẽ đẩy mạnh bán hàng vào những thị trường có lợi nhuận tốt hơn.

Đọc tiếp

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Giá ca cao, cà phê cao kỷ lục chỉ là nhất thời?

Giá ca cao, cà phê cao kỷ lục chỉ là nhất thời?

Giá ca cao và cà phê toàn cầu đang tăng mạnh do thời tiết cực đoan ở các khu vực sản xuất trọng điểm, gây nguy cơ thiệt hại lâu dài đối với thị trường các hàng hóa mềm và tác động cả tới người tiêu dùng.

Chat với BizLIVE