Lãnh đạo Bộ Tài chính nói về tình trạng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến 25/11, khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp là 161.000 tỷ đồng, tăng 14% so với khối lượng mua lại của năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại họp báo Chính phủ tháng 11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay hiện tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang gặp khó khăn.

Theo đó, khối lượng phát hành trái phiếu đang giảm. Tới ngày 25/11, lượng trái phiếu phát hành đạt 331.800 tỷ đồng, giảm gần 31,6% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, có hiện tượng mua lại trước hạn. Số liệu đến 25/11 cho thấy, khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp là 161.000 tỷ đồng, tăng 14% so với khối lượng mua lại năm 2021.

"Trái phiếu chưa đến hạn nhưng doanh nghiệp đã mua lại hoặc nhà đầu tư đề nghị mua lại. Tình trạng này diễn ra nhiều phản ánh khó khăn của thị trường và phản ánh niềm tin trên thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc niềm tin của thị trường giảm sút, ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến niềm tin thị trường sụt giảm nhưng nguyên nhân đầu tiên là việc xử lý một số vụ việc vi phạm từ doanh nghiệp phát hành, ngân hàng thương mại. Những vi phạm này ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư, niềm tin của doanh nghiệp tư vấn, và của chính doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, tình trạng lan truyền tin đồn thất thiệt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường trái phiếu.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, về dòng tiền, về tín dụng và thị trường bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản khó phát hành trái phiếu cũng ảnh hưởng tới thị trường chung, làm cho bức tranh thị trường không tươi sáng mà chủ yếu là gam màu trầm.

Doanh nghiệp đã mua lại 161.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại họp báo - Ảnh: VGP

Để giải quyết các vấn đề đặt ra với thị trường trái phiếu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định tình hình nào, nguyên nhân nào thì phải đi cùng giải pháp đó.

Thứ nhất là về khuôn khổ pháp lý, Thứ trưởng cho biết, vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 153, kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tình hình thị trường thay đổi, diễn biến cực kỳ nhanh chóng trong những tháng vừa qua đặt ra vấn đề phải thích ứng tình hình mới. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ phải rà soát ngay, kể cả Nghị định 165 vừa mới ban hành, để nếu có vấn đề gì, tình hình biến đổi như thế nào và cần bổ sung hoặc thay đổi thì phải thực hiện ngay để thị trường quay trở lại.

Hiện, Bộ Tài chính đang khẩn trương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề pháp lý liên quan đến Nghị định 165 và các quy định liên quan, và trong thẩm quyền của Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trong tháng 12.

"Với những việc đó, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần ổn định và đưa các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và để thị trường phát triển, vận hành một cách bình thường trở lại", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Ông cho biết thêm, ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm việc trực tiếp với 37 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có quy mô phát hành và lượng phát hành lớn, và có một số đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 và năm 2023, gần 10 công ty chứng khoán có thị phần tư vấn phát hành trái phiếu Chính phủ lớn.

Tại buổi làm việc, hầu hết đơn vị, tổ chức đều tập trung vào 3 kiến nghị gồm khuyến khích khôi phục niềm tin của thị trường; tháo gỡ khó khăn trong thanh khoản, tín dụng của doanh nghiệp từ các tổ chức tín dụng; hoàn thiện khung pháp lý.

Sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì cần có phương án thỏa thuận với các nhà đầu tư. Chủ động việc đó giống như chủ động ra thị trường để phát hành, và trách nhiệm phải thực hiện bằng mọi cách, bằng mọi giá, hết khả năng của mình.

Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo quy định. Chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khuyến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp phải thuê các công ty tư vấn, trong đó có tư vấn về kiểm toán độc lập, tư vấn về xếp hạng tín nhiệm, định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, từ đó có được kết quả công bố, công khai với các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư biết được doanh nghiệp đang ở đâu để người ta có phương án.

"Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào", Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Chat với BizLIVE