Liên hoàn tác động, đến lượt lãi suất OMO giảm mạnh

Lãi suất OMO vừa giảm mạnh, trong liên hoàn tác động chính sách điều tiết từ Ngân hàng Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong ngày đầu tiên quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực (15/3), thị trường đón thêm tín hiệu đáng chú ý.

Kết quả thị trường mở (OMO) hôm nay (15/3) cho thấy Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu với khối lượng lớn, 10.000 tỷ đồng, nhưng lượng khớp khiêm tốn trong khi lãi suất đã giảm mạnh.

Cụ thể, chỉ có 552 tỷ đồng được “khớp lệnh” với chỉ 1 thành viên tham gia và trúng thầu. Điều này cho thấy hệ thống vẫn đang dư thừa nguồn ngắn hạn.

Đặc biệt, lãi suất trúng thầu đã giảm về 5,5%/năm sau một thời gian khá dài duy trì ở ngưỡng cao 6%/năm.

Thị trường mở là kênh Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ và nghiệp vụ điều tiết nguồn ngắn hạn trong hệ thống. Trong đó, việc chào thầu qua kênh cầm cố giấy tờ có giá tạo nguồn vốn hỗ trợ ngắn hạn cho tổ chức tín dụng cần nguồn; lãi suất OMO giảm khá mạnh nói trên theo đó tạo điều kiện giảm thiểu chi phí vay vốn cho họ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng kéo dài hẳn kỳ hạn ở kênh hỗ trợ này, từ 7 ngày trước đó lên 28 ngày. Trong hoạt động ngân hàng, kỳ hạn dài hơn thường có lãi suất cao hơn, nhưng như trên Nhà điều hành vừa giảm lãi suất vừa tạo điều kiện kỳ hạn dài hơn là "tín hiệu hỗ trợ kép".

Tín hiệu trên đi cùng với quyết định công bố vào hôm qua (14/3) - Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3.

Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng được điều chỉnh giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Theo đánh giá của Nhà điều hành, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

“Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Chưa hết, liên hoàn các yếu tố tác động từ Ngân hàng Nhà nước còn thể hiện ở động thái ngừng hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu những phiên gần đây. Theo đó, Nhà điều hành đã bơm ròng hơn 40.000 tỷ đồng tính đến ngày 14/3 - trước thời điểm công bố giảm lãi suất.

Quy mô bơm ròng trên được tính theo lượng tiền hút về trước đó qua số dư tín phiếu lưu hành, từ kỷ lục trên 190.000 tỷ đồng đã giảm xuống còn quanh 150.000 tỷ đồng.

Với liên hoàn tác động trên, điểm ngắm của Ngân hàng Nhà nước là góp phần hỗ trợ bình ổn lãi suất trên thị trường.

Theo Lao động và Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE