Loay hoay đấu giá biển số đẹp, đề xuất Bộ Tài chính xây dựng cơ chế thu thuế chuyển nhượng

Trong tờ trình về dự thảo liên quan, Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành quy định về thu thuế chuyển nhượng biển số đẹp trúng đấu giá và lệ phí đăng ký sang tên đối với biển số trúng đấu giá.
Việc áp dụng đấu giá biển số đẹp được kỳ vọng sẽ tăng thu cho ngân sách từ thuế, phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (Ảnh minh họa).
Việc áp dụng đấu giá biển số đẹp được kỳ vọng sẽ tăng thu cho ngân sách từ thuế, phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (Ảnh minh họa).
Theo quan niệm của người Việt, biển số xe đẹp thường có giá. Những người có biển số đẹp có thể bán lại và phát sinh thu nhập. Cơ quan chức năng cũng từng thực hiện việc đấu giá biển số xe số đẹp để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Song, theo nội dung tờ trình của Bộ Công an vừa công bố, trong kế hoạch hoàn thiện dự thảo về đấu giá biển số xe đẹp, có những vướng mắc phát sinh trên thực tế, cũng như cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý sau khi thí điểm trên thực tế thời gian qua.
Bộ Công an cho biết, từ năm 1993 đã chỉ đạo Công an TP.Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn.
Đến năm 2008, công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La... đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm đấu giá biển số xe.
Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Đơn cử, tại thời điểm đó đã ghi nhận một biển số "tứ quý" 9 ở tỉnh Nghệ An được bán với giá 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.
Sau một thời gian dừng lại, ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 127/TB-VPCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe ô tô.
Và như trên, Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Tờ trình về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe thông qua đấu giá.
Cần sửa đổi quy định pháp lý để tạo hành lang cho đấu giá
Liên quan đến vướng mắc về cơ sở pháp lý, từ thực tiễn, theo Bộ Công an, hiện có 5 vướng mắc chính.
Đầu tiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công xác định biển số là tài sản công, được khai thác quyền sử dụng thông qua đấu giá, tuy nhiên khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới.
Cùng với đó, cả hai văn bản luật trên đều chưa quy định cụ thể về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, việc quản lý biển số trúng đấu giá; quyền, trách nhiệm của người trúng đấu giá và người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá.
Thứ 2, về giá khởi điểm đấu giá biển số xe hiện chưa được quy định cụ thể.
Với quy định hiện hành, hiện không có căn cứ, dữ liệu để xác định giá trị của quyền biển số, vì vậy, không có cơ sở pháp lý nào để xác định giá trị từng biển số do biển số chỉ có giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân và giá trị đấu giá của biển số sẽ do thị trường quyết định.
Đối với biển số chỉ có thể đấu giá từng biển số cho cá nhân theo sở thích và sẽ gắn chặt với công tác đăng ký, quản lý phương tiện vì biển số là tài sản công phục vụ quản lý nhà nước (tài sản đặc biệt).
Theo đó, nếu giao Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng định giá, xác định giá khởi điểm từng biển số theo quy định thì rất khó khả thi do giá trị của biển số chỉ có giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân, khó tìm được giá tương đương.
Thứ 3, vướng mắc liên quan đến quy định tại Luật Đấu giá tài sản khi trên thực tế sẽ có nhiều người lựa chọn biển số theo ý thích cá nhân, không phải “biển đẹp”, “số đặc biệt” theo quan niệm của nhiều người, ví dụ biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm,…
Thứ 4, vướng mắc này liên quan đến quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành. Theo đó, hiện tại chưa có quy định về sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số, cơ chế trích lại % số tiền thu được từ đấu giá biển số cho ngân sách địa phương.

Nếu Đề án được triển khai thực hiện thì số tiền thu được từ đấu giá và thu lệ phí đăng ký xe là rất lớn. Do đó, cần đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội cho phép phân bổ cho ngân sách địa phương từ nguồn thu đấu giá biển số.

Thứ 5, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế giá trị gia tăng hiện tại chưa quy định về thu thuế chuyển nhượng biển số trúng đấu giá.Vì vậy cần có các quy định cụ thể để tránh thất thu ngân sách cho nhà nước.
Với 5 nguyên nhân trên, Bộ Công an hiện đang đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng khác với quy định của Luật hiện hành.
Loay hoay đấu giá biển số đẹp, đề xuất Bộ Tài chính xây dựng cơ chế thu thuế chuyển nhượng ảnh 1
Tháng 5/2020, chiếc xe Toyota Vios có giá lăn bánh khoảng 660 triệu đồng được "sang tay" với giá  1,65 tỷ đồng nhờ mang biển số "ngũ quý". Ảnh: Vietnamnet
Sử dụng nguồn thu từ đấu giá như thế nào?
Trong dự thảo, Bộ Công an đưa ra 2 phương án thí điểm với việc cấp quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá của người đấu giá thành công.
Theo đó, phương án 1: Người trúng đấu giá chỉ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá (biển số đi theo người).

Phương án 2: Người trúng đấu giá được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp biển số trúng đấu giá.  

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc đấu giá biển số đẹp sẽ có lợi ích kép khi vừa công khai, minh bạch, vừa chấm dứt được tình trạng một số người bốc được biển số đẹp bán lại thu lợi lớn bỏ túi riêng hoặc hiện tượng chạy "cửa sau" chi tiền ngoài để có biển số đẹp.
Trong đó, Bộ Công an nghiêng về phương án 2 và đề xuất thực hiện phương án này do khi cho phép chuyển nhượng, thừa kế thì công tác đấu giá biển số sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu. 
Đồng thời, đề xuất đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định: “Phải đến Cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký, gắn biển số trúng đấu giá vào phương tiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá; nếu quá thời hạn sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá và không được hoàn trả tiền trúng đấu giá”.
Về sử dụng nguồn thu từ đấu giá, Bộ Công an cũng lên 2 phương án, trong đó nghiêng về phương án 1 là:  Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Trong khi đó, phương án 2 là: Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương.
Liên quan đến việc chuyển nhượng biển số trúng đấu giá, thời hạn áp dụng việc lưu giữ biển số cũng là 6 tháng kể từ ngày làm thủ tục giữ lại biển số, biển số trúng đấu giá phải được đăng ký gắn với phương tiện. Nếu quá thời hạn người trúng sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá đó.
Cùng với đó, người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ Công an đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng, ban hành quy định về thu thuế chuyển nhượng biển số trúng đấu giá, lệ phí đăng ký sang tên đối với biển số trúng đấu giá.
TỔ CHỨC ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN?
Ngày 22/9, Cục CSGT đã tổ chức Hội thảo khoa học Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Công An cho biết, theo Đề án thì công an các địa phương sẽ tổ chức đấu giá dưới hình thức ký hợp đồng thuê công ty đấu giá tài sản để công ty này tổ chức đấu giá theo các hình thức được quy định trong Luật Đấu giá tài sản. Cụ thể, có thể đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến. Hình thức đấu giá sẽ được quy định trong Quy chế đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, nên tận dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, hoàn toàn có thể cấp biển số theo lựa chọn của người dân dưới hình thức online qua phần mềm.
Theo đó, định giá số sàn cao hơn lệ phí cấp bình thường. Sau đó đưa tất cả các số lên mạng để người dân lựa chọn. Nếu người dân có nhu cầu số gì thì lên mạng kiểm tra xem còn số đó hay không và trả giá bất kỳ. Giá này không công khai nên người dân và cả các cơ quan chức năng cũng không biết có bao nhiêu trả giá, giá bao nhiêu. Đến hết thời hạn đấu giá thì phần mềm sẽ tự lọc giá nào cao nhất thì người trả giá cao nhất sẽ trúng.
"Việc này rất dễ, không tốn nhiều công sức mà rất công khai, minh bạch", ông Hiếu cho biết.

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE