MB giữ ngôi "tân vương" CASA ngân hàng Việt

Trong vài năm qua, thị trường chứng kiến cuộc đua quyết liệt giành vị trí quán quân về CASA của bộ ba Techcombank, MB và Vietcombank.
Tỷ lệ CASA cao là một lợi thế lớn giúp ngân hàng pha loãng chi phí vốn.
Tỷ lệ CASA cao là một lợi thế lớn giúp ngân hàng pha loãng chi phí vốn.

Cuộc rượt đuổi của 3 “ông lớn”

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành có xu hướng chững lại, các quy định về vốn như Basel II, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị siết chặt thì áp lực tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng cũng ngày càng lớn hơn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm..., thì giảm thiểu chi phí vốn cũng là một trọng tâm mà các ngân hàng đang hướng tới.

Thực tế cho thấy, với bài toán kiểm soát chi phí vốn, thì việc nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi đây là nguồn tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, quanh 1%/năm.

Tỷ lệ CASA của ngân hàng càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.

Đặc biệt, năm 2022, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua quyết liệt hơn về tăng CASA, khi môi trường lãi suất huy động liên tục tăng cao. Lượng vốn giá rẻ CASA càng lớn, theo đó sẽ giúp pha loãng chi phí vốn cho nhà băng.

Đặc biệt, trong vài năm qua thị trường chứng kiến cuộc đua quyết liệt giành vị trí quán quân về CASA của bộ ba Techcombank, MB và Vietcombank.

Và năm nay, MB đã quay trở lại vị trí dẫn đầu sau 2 năm (2020 và 2021) để mất vào tay Techcombank.

Số dư tiền gửi khách hàng của MB đã tăng 15,3% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 443,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng đạt 177,3 nghìn tỷ đồng và chiếm tỷ trọng tới 40% tổng tiền gửi.

Nằm trong xu thế chung của thị trường, tỷ trọng này đã giảm đáng kể so với mức 47,6% vào cuối năm 2021 nhưng vẫn đủ để giúp MB vượt qua đối thủ Techcombank và trở thành ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống.

Theo lãnh đạo MB, kết quả trên có được là nhờ ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện, tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khách hàng trên 2 nền tảng App MBBank và BIZ MBBank.

Theo đó, kết thúc năm 2022, lũy kế ngân hàng đã đạt 20 triệu khách hàng, tăng tới 54% so với 2021. MB kỳ vọng năm 2023 con số lũy kế sẽ tăng lên 27 triệu khách hàng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của các ngân hàng

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của các ngân hàng

Trong khi đó, sau nhiều năm liền dẫn đầu hệ thống, tỷ lệ CASA tại Techcombank sụt giảm mạnh từ mức cao kỷ lục 50,5% cuối năm 2021 xuống còn 37% khi kết thúc năm 2022, tương đương với mức giảm tới 13,5 điểm%.

Lý giải về sự sụt giảm này, lãnh đạo Techcombank cho biết bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Đối với Vietcombank, lợi thế lớn nhờ nguồn tiền gửi khổng lồ của các tập đoàn lớn, nắm trong tay hệ thống chi trả lương, thanh toán lương cho cán bộ, công chức trong nước tiếp tục giúp tỷ lệ CASA của ngân hàng ở mức cao 33,1%, tăng nhẹ 0,2 điểm % so với cuối năm trước.

Tỷ lệ CASA giảm mạnh tại nhiều thành viên

Như trên, một tỷ lệ CASA cao tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, số liệu mới công bố cho thấy, nhiều thành viên đang bị “hụt hơi” trong cuộc đua khi không thể gia tăng, thậm chí còn thụt lùi trong việc huy động nguồn vốn giá rẻ này.

Khảo sát tại 28 ngân hàng đã công bố BCTC quý 4/2022 cho thấy, có tới 23 ngân hàng, tương đương tỷ lệ hơn 82% ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 12 tháng qua. Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm khá mạnh, xuống còn 15,1%, từ mức 18% hồi đầu năm nay.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của các ngân hàng

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của các ngân hàng

Tại KienLongBank, tính tới cuối tháng 12/2022, lượng tiền gửi khách hàng vẫn nhích nhẹ 1,2% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh tới 74%, xuống còn hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ CASA của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 4% kết thúc quý 4/2022, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp trong nhóm khảo sát.

Tương tự, tại VietABank, dù tiền gửi khách hàng vẫn tăng 3,7% trong năm qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm tới 64% khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm khá mạnh xuống còn 4,1%, từ mức 11,9% hồi đầu năm.

Một số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi này giảm mạnh bao gồm Techcombank giảm 13,5 điểm %, TPBank giảm 5,2 điểm %, OCB giảm 4,8 điểm %, VPBank giảm 4,6 điểm %, MSB giảm 4,7 điểm %,…

Đáng chú ý, như trên, việc tỷ lệ CASA đi xuống không chỉ diễn ra ở các thành viên có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà băng vốn luôn đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong năm qua.

Điều này một phần được lý giải bởi tính chất lỏng lẻo trong cơ cấu cân đối vốn trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao trong năm vừa qua. Bởi, trong môi trường lãi suất cao hơn, nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán có xu hướng được dịch chuyển vào tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn.

Mặt khác, lãi suất cho vay tăng cao khiến người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp tranh thủ và tận dụng hơn nguồn vốn nhàn rỗi của mình thay vì để ở dạng không kỳ hạn như trước đây.

Theo Mekong Asean

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE