Na Uy - cứu tinh của EU trong khủng hoảng năng lượng hiện nay?

Na Uy vừa cho biết nước này có kế hoạch duy trì sản lượng khí đốt cao như hiện nay đến năm 2030 nhằm giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay khi nguồn cung khí đốt từ Nga liên tục giảm.
Diễn biến giá khí đốt giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch TTF trong vòng 6 tháng trở lại đây. Giá khí đốt tại EU hiện chạm mức cao kỷ lục, gấp 640% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: barrchart.com
Diễn biến giá khí đốt giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch TTF trong vòng 6 tháng trở lại đây. Giá khí đốt tại EU hiện chạm mức cao kỷ lục, gấp 640% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: barrchart.com

Giá khí đốt giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch TTF (Hà Lan) liên tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua, hiện đạt mức cao kỷ lục 296 EUR/MWh – cao gấp 640% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt tại châu Âu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Terje Aasland cho biết “Chúng tôi dự kiến có thể duy trì các mức sản lượng cao như hiện nay cho đến năm 2030. Chúng tôi đang có những dự án, kế hoạch có thể giúp duy trì sản lượng khí đốt cao như hiện nay trong vòng mấy năm tới đây”.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga liên tục sụt giảm, Liên minh châu Âu (EU) đang phải “chạy đua” thu gom các nguồn cung khí đốt nhằm chuẩn bị cho mùa Đông tới đây - mùa cao điểm tiêu thụ năng lượng, cũng như tìm kiếm các giải pháp để giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Hiện nhiều quốc gia EU kỳ vọng sẽ mua được nhiều khí đốt hơn từ Na Uy - quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn thứ 4 thế giới. Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 15/8, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết nước này sẽ ưu tiên cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức nhiều nhất có thể để giảm tác động từ việc Nga cắt nguồn cung khí cho EU. Giá khí đốt ở mức cao kỷ lục đang gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhiều quốc gia EU.

Ông Uy Jonas Gahr Store cũng cho biết Na Uy đã tăng xuất khẩu khí đốt khoảng 10% nhưng cũng nhấn mạnh đây là “mức tối đa có thể và Na Uy sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì mức sản lượng xuất khẩu cao như này”. Theo dự báo được công bố hồi tháng 5, sản lượng khí đốt của Na Uy sẽ đạt 122 tỷ m3 trong năm nay, tăng 8% so với năm 2021.

Trong khi đó, Đức đã phải tái khởi động nhà máy điện than thứ 2 với công suất 875 MW nhằm tiết kiệm lượng khí đốt cho mùa Đông tới đây. Đây là một trong những nhà máy điện than lớn nhất ở Đức, dự kiến nhà máy này sẽ hoạt động trở lại từ ngày 29/8 đến cuối tháng 4/2023. Nhiều nhà máy điện than khác tại Đức cũng được đặt trong tình trạng dự phòng cũng sẽ được khởi động lại trong vài tuần tới.

Đồng thời, Chính phủ Đức đã thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông, bao gồm cả việc hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng ở nơi công cộng, tắt hệ thống sưởi ở những khu vực không quan trọng, và giảm nhiệt độ sưởi ấm tối đa. Dự kiến, Đức sẽ giảm được 2 – 2,5% lượng khí đốt cần sử dụng so với thông thường. Các tuyến đường sắt quốc gia cũng sẽ ưu tiên hoạt động vận chuyển nhiên liệu.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã lên tiếng kêu gọi công chúng nước này không nên hoảng sợ về viễn cảnh thiếu khí đốt trong mùa Đông tới đây và cho rằng nếu các hộ gia đình và ngành công nghiệp cắt giảm mức sử dụng 15-20% thì Đức có thể dễ dàng vượt qua mùa Đông. Ông Robert Habeck nhấn mạnh ngay cả khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, Đức vẫn sẽ không rơi vào tình trạng không có nguồn cung khí đốt.

Thụy Sĩ hiện cũng đặt mục tiêu tiết kiệm 15% lượng khí đốt sử dụng cho mùa Đông tới khi EU đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt. Thuỵ Sĩ hiện phải nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ nước ngoài nên sẽ chịu tác động nghiêm trọng nếu như nguồn cung khí đốt tại châu Âu khan hiếm.

Theo Tạp chí Công Thương

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE