"Năm 2023, tùy từng thời điểm để ứng biến các chính sách ngân hàng"

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, năm 2023, bên cạnh việc hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, mục tiêu quan trọng nhất, xuyên suốt của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát được lạm phát. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Mục tiêu quan trọng nhất của điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn cách thức, công cụ điều hành thì rất linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát”, ông Phạm Chí Quang cho biết. Trên cơ sở đó, mục tiêu quan trọng với nội bộ ngành ngân hàng là duy trì được sự hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng.

Dẫn chứng lại thời điểm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, ông Phạm Chí Quang cho biết: Năng lực quản trị, chất lượng tài sản của bảng cân đối của hệ thống ngân hàng không tốt như giai đoạn hiện nay. Khi đó hệ thống ngân hàng phát sinh nhiều vấn đề, nợ xấu tăng cao vượt khả năng xử lý của các ngân hàng, một số ngân hàng rơi vào bờ vực phá sản và phải trải qua cuộc vật lộn tái cơ cấu hơn 10 năm cho đến nay.

Theo đại diện NHNN, giai đoạn hiện nay, hệ thống ngân hàng đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng liên tiếp, COVID-19 vừa xong, lại đến khủng hoảng lạm phát toàn cầu nhưng hệ thống ngân hàng đã vững vàng hơn nhiều, chất lượng bảng cân đối, chuẩn mực quản trị được nâng cao, nợ xấu trong tầm kiểm soát. Do đó, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm 2023, một mặt tiếp tục hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế nhưng mặt khác không chủ quan với lạm phát trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu, mức lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) còn tiếp tục neo cao và kéo dài đến hết năm 2023. Vì vậy, độ trễ của tác động lạm phát nhập khẩu đối với Việt Nam còn lớn, nên điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với các rủi ro này

Để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều hành rất đồng bộ, linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, trên tinh thần thấm nhuần quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Trao đổi với báo giới ngày 12/1, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát nhưng áp lực sẽ tiếp tục gia tăng năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020 - 2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. “Do đó, Việt Nam không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu CSTT, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

“Hiện, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chỉ ra thách thức lớn mà ngành Ngân hàng phải tập trung xử lý trong năm 2022.

Cụ thể: Làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng khi một số chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã ở ngưỡng cảnh báo; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của Mỹ; làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống trước sự cố tháng 10 trên thị trường liên ngân hàng khi niềm tin thị trường suy giảm cùng với những biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Theo Báo Tin tức

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE