Nắm lợi thế, Hà Tĩnh phối hợp với Tân cảng Sài Gòn mở cửa thị trường logistics Lào và Thái Lan

Nhờ vị trí địa lý, Hà Tĩnh đã trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ với thị trường Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đồng thời, cảng Vũng Áng là điểm tập kết, cửa ngõ ngắn nhất ra biển Đông.
Hội thảo “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh, kết nối liên vùng phát triển thị trường Việt - Lào"
Hội thảo “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh, kết nối liên vùng phát triển thị trường Việt - Lào"
Hà Tĩnh có đường ra biển gần nhất và thuận lợi với nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, có khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là một trong tám KKT trọng điểm ven biển quốc gia. Sự phát triển hệ thống cảng cạn (ICD), các dự án kết nối từ các vùng kinh tế trọng điểm tại Lào với Hà Tĩnh bằng đường sắt, đường bộ sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tăng thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh
Nắm lợi thế, Hà Tĩnh phối hợp với Tân cảng Sài Gòn mở cửa thị trường logistics Lào và Thái Lan ảnh 1
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tỉnh
Phát biểu tại hội thảo “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh, kết nối liên vùng phát triển thị trường Việt - Lào", ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tỉnh nhấn mạnh, để phát triển nhanh ngành dịch vụ logistics theo định hướng quy hoạch của tỉnh trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết các trung tâm logistics vùng, đồng thời khẩn trương lập quy hoạch phát triển chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển thời kỳ 2021 - 2023 và tầm nhìn 2030 để trình thẩm định và phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi thu hút phát triển cảng biển logistics trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đơn giản hóa các quy định về quản lý chuyên ngành, nhằm tạo mục tiêu thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng tăng cường ứng dụng công nghệ số, tập trung đào tạo gia tăng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics để đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các khu vực sản xuất vùng nguyên liệu với các đầu mối phân phối đến người tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu (XNK) đáp ứng yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng logistics.
Thứ tư, tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực logistics, đặc biệt là khuyến khích kêu gọi và thành lập các doanh nghiệp vận tải logistics địa phương.
Ông Đỗ Xuân Minh, Giám Đốc trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng cho biết, do Lào là quốc gia không có biển nên tiềm năng logistics cho thị trường Lào và thị trường Đông Bắc Thái Lan là rất lớn; còn Hà Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, cảng biển Hà Tĩnh sẽ hút mạnh nguồn hàng từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Lào, Thái Lan và ngược lại. 
Lượng hàng nhập quá cảnh Việt Nam từ thị trường Lào/Thái Lan xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc trong 9 tháng năm 2021 của 50 doanh nghiệp đạt sản lượng 204.054 tấn. Dự kiến, trong cả năm 2021 sẽ tăng thêm 92% so cùng kỳ.
logistics - một trong bốn trụ cột kinh tế trọng điểm của Hà Tĩnh
Tỉnh Hà Tĩnh xác định dịch vụ logistics là một trong bốn trụ cột kinh tế trọng điểm cần tập trung để tạo đột phá phát triển trong thời kỳ 2021 - 2030, nhằm đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, sản lượng hàng XNK của tỉnh từ năm 2016 - 2021 tăng khoảng 6 lần. Hiện nay, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư tại hai trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng gắn kết với khu cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương. 
UBND tỉnh đã quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng với tỉ lệ 1/500, có quy mô 110.000 ha chuẩn bị phê duyệt trong thời gian tới. Cùng với đó là ban hành các chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến container (cont), có hàng hóa vận chuyển bằng cont qua cảng Vũng Áng.
Tỉnh đã chấp nhận chủ trương đầu tư cho 10 dự án có hoạt động liên quan đến logistics với tổng đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, liên kết với Tân cảng Sài Gòn (TCSG) về việc thiết lập tuyến container Vũng Áng.
TCSG sẵn sàng cung cấp trọn gói dịch vụ “door to door”
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing TCSG cho biết, hầu hết các chuyên gia đều nhận xét tăng kết nối logistics là xu hướng hậu COVID-19, và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan là những nơi mà Việt Nam sẽ tăng kết nối trong thời gian tới. 
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc kết nối xuất khẩu hàng hóa quá cảnh từ Lào và Đông Bắc Thái Lan qua ba cụm cảng Hải Phòng, TP.HCM, Cái Mép và phát triển dịch vụ trọn gói.
Với tỉnh Hà Tĩnh, sẽ có hệ sinh thái hoàn chỉnh đem lại lợi ích cho các cả các bên tham gia, làm đòn bẩy phát triển nền kinh tế, là cơ sở để thu hút đầu tư. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút, tăng đầu tư vào Hà Tĩnh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng sẽ được tăng lên, bởi các giải pháp SMB logistics mang lại cho doanh nghiệp.
Đối với các hãng tàu, chắc chắn sẽ đa dạng hóa các dịch vụ mở rộng thị trường với vai trò tiên phong sẽ có những lợi ích.
Đối với các doanh nghiệp XNK và đầu tư như sẽ có lợi ích về mặt giảm chi phí, thời gian từ hệ sinh thái được xây dựng nên sẽ cung cấp dịch vụ logistics trọn gói và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc TCSG
Tại hội thảo, có những câu hỏi liên quan đến việc TCSG dành cho hàng hóa của các doanh nghiệp tại Lào và Đông Bắc Thái Lan đi Mỹ và châu Âu là như thế nào?
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc TCSG cho biết, trước năm 2009, tất cả các hàng hóa XNK của Việt Nam cũng như của các nước Lào, Campuchia phải thông qua một cảng trung chuyển thứ 3 trong khu vực đó là cảng Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Thẩm Quyến, hoặc Tokyo.
Nhưng từ giữa năm 2009, khi cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Cái Mép-Thị Vải ra đời, và đón chuyến tàu đầu tiên vượt đại dương để kết nối với Hoa Kỳ, và tiếp theo đó là các chuyến tàu đi châu Âu. Sau đó là cảng thứ hai, thứ ba tiếp tục ra đời và đến nay tại khu vực cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã có sáu nhà khai thác cảng đón những con tàu lớn đi Hoa Kỳ và châu Âu.
Tại Hải Phòng, có cảng nước sâu đầu tiên quốc tế là Tân cảng Hải Phòng, đến nay ở khu vực Hải Phòng và Cái Mép-Thị vải có 23 ba tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và có ba chuyến đến châu Âu. Riêng TCSG có 12 chuyến tàu đi Hoa Kỳ và 3 chuyến Tàu đi châu Âu.
“TCSG sẵn sàng cung cấp trọn gói dịch vụ “door to door” đến các khách hàng từ khu vực Đông Bắc Thái Lan, Lào. Vận chuyển những lô hàng hóa bằng phương tiện vận tải đa phương thức kết nối thủy bộ và đường hàng hải để đưa hàng hóa của Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia đi đến các thị trường xa như là Hoa Kỳ và châu Âu”, ông Quỳ khẳng định.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE