Nên áp lãi suất tiền gửi rút trước hạn theo hình thức bậc thang?

Dù đã sửa đổi nhưng cơ chế lãi suất mới với tiền gửi rút trước hạn vẫn được cho chưa thực sự công bằng với người gửi tiền…
Nếu tiền gửi đã có thời gian đủ dài nhưng buộc phải rút trước hạn thì cần có lãi suất tốt hơn, thời gian thực gửi càng dài thì lãi suất đó càng cao thay vì "phạt" thành không kỳ hạn (Ảnh minh họa)
Nếu tiền gửi đã có thời gian đủ dài nhưng buộc phải rút trước hạn thì cần có lãi suất tốt hơn, thời gian thực gửi càng dài thì lãi suất đó càng cao thay vì "phạt" thành không kỳ hạn (Ảnh minh họa)

Người gửi tiền vẫn thiệt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, trong trường hợp người gửi tiền rút trước hạn một phần tiền gửi, phần tiền gửi rút trước hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng đó. Đối với phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.

Cách tính lãi mới này giúp những khách hàng chỉ có nhu cầu rút một phần trước hạn đối với số tiền đã gửi sẽ bớt thiệt hơn, bởi theo quy định cũ, khách không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chỉ được nhận lãi suất tối đa bằng lãi suất không kỳ hạn.

Dù vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng, quy định mới vẫn chưa thực sự công bằng với người gửi tiền.

Bởi trong nhiều trường hợp, dù sắp tới ngày đáo hạn sổ tiết kiệm nhưng người gửi gặp tình huống khẩn cấp, cần gấp tiền, buộc phải “phá sổ” và nguồn tiền cần là đáng kể với phần đã gửi và buộc phải rút trước hạn thì sẽ chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn, mà lãi suất này lại ở mức cực kỳ thấp, gần như bằng 0.

Trong khi, trong suốt khoảng thời gian trước đó, ngân hàng có thể dùng số tiền đó cho vay lại với lãi suất cao hơn rất nhiều. Trong trường hợp này, bên được hưởng lợi thuộc về ngân hàng.

Nên áp dụng lãi suất bậc thang?

Cũng vì lo ngại bị “phạt” lãi suất và tâm lý muốn chủ động trong các công việc khi có nhu cầu về tài chính, nên người gửi tiền thường ưa chuộng gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn dù khả năng sinh lời thường thấp hơn nhiều so với kỳ hạn dài.

Hệ quả kéo theo là việc huy động vốn trung, dài hạn của các ngân hàng không hiệu quả. Thực tế cho thấy, tiền gửi kỳ hạn ngắn chiếm tới 80% nguồn vốn, trong đó, tỷ lệ CASA ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của các nhà băng.

Điều này một mặt giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, từ đó có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi biên (NIM). Đây cũng là tiền đề giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tỷ lệ CASA càng cao càng cho thấy tính lỏng lẻo trong cơ cấu cân đối vốn, cùng độ nhạy cảm trong môi trường lãi suất thay đổi.

Cùng với đó, quy định áp lãi suất gần như bằng 0 đối với tiền gửi trước hạn khiến nhiều người gửi tiền chọn gửi kỳ hạn ngắn, để linh hoạt hơn trong sử dụng, cơ cấu vốn của hệ thống theo đó càng thiểu bền vững. Ngược lại, hệ thống ngân hàng vẫn đang có cơ cấu lớn trong cho vay trung dài hạn, đặc biệt ở cho vay bán lẻ mua nhà và tiêu dùng mua ô tô...

Trước thực tế này, phó tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Nam của một ngân hàng cho rằng, bên cạnh yếu tố lãi suất huy động thì cơ chế gửi tiền hợp lý cũng sẽ là động lực để huy động nguồn lực trong dân cư, để khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài và bền vững hơn, giá trị cho việc cân đối sử dụng nguồn.

“Nếu muốn khuyến khích người dân gửi dài hạn hơn thì nên áp dụng lãi suất bậc thang theo thời hạn đã gửi thực tế với các bậc đủ dài. Ví dụ, tôi chọn gửi tiết kiệm một khoản với kỳ hạn 2 năm lĩnh lãi cuối kỳ, tuy nhiên, sau 1 năm tôi cần rút ra một phần thì phần rút ra đó nên được tính lãi suất tương xứng với 1 năm đã gắn bó, phần còn lại vẫn hưởng lãi suất như bình thường. Như vậy mới công bằng cho người gửi tiền”, vị này nói.

Cơ chế bậc thang theo đó vừa giảm thiệt thòi cho người gửi tiền, vừa kích thích họ gửi ổn định hơn ở các kỳ hạn dài thay vì cứ phải dự phòng với các kỳ hạn ngắn. Nếu phần gửi rút trước hạn đạt trên 6 tháng hoặc trên 1 năm thì được lãi suất cao hơn đáng kể thay vì "phạt" lãi suất không kỳ hạn; thời gian thực gửi càng dài thì lãi suất đó càng tốt hơn, dù có thể không bằng mức 6 tháng hay 1 năm... trên thực tế.

"Gửi kỳ hạn dài thường là những người tích lũy, tiết kiệm, hưu trí..., khoản tiết kiệm là một phần thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực gửi khá dài, vì bất khả kháng hoặc vì khó khăn phát sinh mới buộc phải rút trước hạn mà bị áp lãi suất gần như 0% với không kỳ hạn thì tôi thấy bất công cho họ; trong khi một thời gian dài tương ứng ngân hàng đã dùng nguồn vốn này để kinh doanh", vị phó tổng giám đốc ngân hàng trên nêu quan điểm, dù cho rằng rút trước hạn gây xáo trộn cân đối vốn của hệ thống, ảnh hưởng đến thanh khoản... nên áp lãi suất không kỳ hạn thời gian qua và trong cơ chế mới như là một "chế tài" để hạn chế.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE