Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 80.000 tỷ đồng đón Tết

Ngân hàng Nhà nước vừa có một tuần rất sôi động ở hoạt động cân đối nguồn ngắn hạn cho hệ thống đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19/1, thị trường liên ngân hàng có phiên giao dịch cuối cùng để đón kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong ngày cuối cùng của năm cũ này, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, tiếp tục bơm hơn 11.300 tỷ đồng qua kênh cầm cố trên thị trường mở với kỳ hạn 14 ngày lãi suất 6%/năm.

Hoạt động cân đối nguồn ngắn hạn cho hệ thống mùa cao điểm thanh toán và chi trả Tết Nguyên đán đã khép lại với giao dịch sôi động chưa từng có, khi xét về quy mô của cả hai dòng chảy bơm ra và hút về cùng lúc.

Cụ thể, trong tuần từ 16 - 19/1, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tới 79.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 6%. Có 67.647,67 tỷ đồng trúng thầu; có 24.188,57 tỷ đồng đáo hạn.

Cùng đó, ở chiều hút về, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu cũng với kỳ hạn 14 ngày. Có 54.999,9 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất trúng thầu từ 5,7% - 6%; tuy nhiên, có 89.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và chảy ra thị trường.

Theo đó, trong tuần cận Tết, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tới 77.959,2 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 104.119,66 tỷ đồng; số dư trên kênh tín phiếu (hút về) ở mức 75.499,9 tỷ đồng.

Như vậy, xét ở hoạt động cân đối và điều tiết nguồn ngắn hạn nói trên, hệ thống ngân hàng vừa trải qua một tuần đón Tết sôi động ở cả hai chiều. Về quy mô bơm ròng hỗ trợ hệ thống, gần 80.000 tỷ đồng tuần này là mức độ khá lớn, nhưng tổng số dư vay nguồn Ngân hàng Nhà nước trên kênh cầm cố 104.119,66 tỷ đồng không quá lớn, bởi trong quá khứ có những năm lên tới quanh 150 nghìn tỷ số dư hỗ trợ ở mùa cao điểm này.

Ngược lại, các ngân hàng thương mại vẫn còn hơn 75.000 tỷ đồng gửi về Ngân hàng Nhà nước, như một phần dư thừa ngắn hạn.

Tính chung, về tổng thể nguồn tiền thì Ngân hàng Nhà nước chỉ phải hỗ trợ ròng hơn 28.600 tỷ đồng bù trừ toàn hệ thống. Điểm được chú ý ở đây là trong khi nhiều ngân hàng phải hỗ trợ nguồn ngắn hạn khá lớn thì nhiều thành viên khác lại gửi về để ở Nhà điều hành với lãi suất thấp hơn thay vì cho vay đối ứng nhu cầu đó. Vậy nên cung - cầu vốn ngắn hạn giữa các thành viên vẫn có hạn chế nhất định trong “kết nối”.

Trong tuần đón Tết, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Chốt ngày 19/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 6,32% (tăng 0,3 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó), 1 tuần 6,50% (giảm nhẹ 0,02 điểm phần trăm), 2 tuần 7,25% (tăng 0,21 điểm phần trăm), 1 tháng 8,02% (tăng 0,02 điểm phần trăm).

Với diễn biến trên, thị trường liên ngân hàng đã đón Tết Nguyên đán một cách nhẹ nhàng, không có đột biến về lãi suất. Và theo “thông lệ” thường thấy nhiều năm qua, sau Tết Nguyên đán, dòng tiền sẽ sớm trở lại hệ thống ngân hàng qua mùa cao điểm tiêu dùng (cũng là thời điểm tiền mặt lưu thông nhiều nhất trong năm), lãi suất liên ngân hàng thường nhanh chóng hạ nhiệt.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE