Ngân hàng SVB của Mỹ sụp đổ: Vì sao "đế chế" 40 năm lại chấm dứt trong 48 giờ?

Nguyên nhân sụp đổ bắt đầu đến từ các hoạt động đầu tư trái phiếu thua lỗ trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngân hàng SVB của Mỹ sụp đổ: Vì sao "đế chế" 40 năm lại chấm dứt trong 48 giờ?

Ngày 8/3, Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) - một nhà băng từng có tiềm lực tài chính của Mỹ với bề dày 40 năm, đã cố gắng huy động thêm khoảng 2,25 tỷ USD để hỗ trợ cho bảng cân đối kế toán.

Nhưng chỉ trong vòng 48 tiếng sau khi SVB thông báo về kế hoạch trên, sự hoảng sợ của cộng đồng đầu tư mạo hiểm mà chính SVB đã hỗ trợ trong suốt thời gian qua đã chấm dứt luôn hoạt động của ngân hàng này, theo nội dung được CNBC và Financial Times đăng tải.

Giới chức quản lý ngành ngân hàng Mỹ đã đóng cửa SVB vào ngày thứ Sáu (ngày 10/3), đồng thời thâu tóm toàn bộ lượng tiền gửi hiện có trong ngân hàng.

SVB là một trong những ngân hàng có uy tín tốt nhất nước Mỹ, từng có khoảng thời gian tăng trưởng ấn tượng cùng với tệp khách hàng doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ, đã chính thức sụp đổ. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất Mỹ tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay.

Trong quá khứ, SVB chuyên làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm. Năm 2021, khi nguồn cung “tiền rẻ” từ chính sách bơm tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quá dồi dào, SVB đã nhận được rất nhiều tiền gửi từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, con số này tăng từ mức 60 tỷ USD vào năm 2020 cho đến hơn 190 tỷ USD vào đầu năm 2022, mức tăng trưởng tiền gửi thần kỳ.

Sau đó, SVB đã mang một phần tiền gửi đi mua trái phiếu, trong đó có khá nhiều trái phiếu dài hạn, nhưng lại tài trợ cho những trái phiếu dài hạn đó bằng tiền gửi ngắn hạn, loại tiền gửi mà khách hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào.

Như vậy, nếu khách hàng rút tiền ra thì ngân hàng sẽ phải bán trái phiếu. Và lãi suất trái phiếu tăng, ngân hàng sẽ buộc phải bán trái phiếu lỗ.

Trong bối cảnh hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, lượng trái phiếu mà SVB đang cầm bắt đầu lỗ nặng.

Tình thế khó khăn hơn nữa mà SVB phải đối mặt, trong năm 2022 các doanh nghiệp mạo hiểm hoặc các quỹ đầu tư không huy động được nhiều tiền và sang đến năm nay bắt đầu cạn kiệt, phải rút bớt tiền ra phục vụ cho mục đích riêng.

Như vậy, số tiền gửi của SVB nắm giữ ước tính khoảng 200 tỷ USD bắt đầu bị vơi đi một cách nhanh chóng.

Để giải quyết vấn đề thanh khoản, SVB phải bán trái phiếu và chấp nhận lỗ gần 2 tỷ USD và cần huy động thêm 2,5 tỷ USD vốn cổ phần để bù lỗ. Đến ngày 10/3, tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) công bố ngừng hỗ trợ cho SVB. Đến đây, SVB chính thức "hết cửa" để duy trì.

Khách hàng của SVB rút ra ước tính 42 tỷ USD tiền gửi tính đến cuối ngày thứ Năm, theo công bố của giới chức California. Thời điểm đó, SVB có danh mục tiền mặt âm khoảng 958 triệu USD, và không thể tìm được tài sản đảm bảo đến từ các nguồn khác.

Ngân hàng SVB bị đóng cửa chính thức vào sáng ngày thứ Sáu bởi giới chức California, và sau đó được đưa vào diện kiểm soát của FDIC. Trước khi bị ngừng giao dịch, cổ phiếu của SVB đã giảm đến hơn 60% và trong phiên ngày thứ Năm, giảm thêm 60% sau khi SVB buộc phải bán đi một khoản đầu tư, đồng thời phải tìm đến tham vấn với một ngân hàng từng bị thâu tóm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sau vụ việc của SVB, nhiều người đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với thị trường trái phiếu Mỹ khi tổng lượng trái phiếu mà SVB mua, có một số loại chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) và một số loại trái phiếu phải cầm đến khi đáo hạn (HTM).

Trong tổng số hơn 90 tỷ USD trái phiếu dài hạn (HTM) giá trị ước tính hiện tại chỉ còn khoảng 76 tỷ USD, lỗ chưa ghi nhận ước tính 15 tỷ USD.

Ngoài ra, 25 tỷ USD trái phiếu sẵn sàng bán, mức lỗ chưa ghi nhận với khoản ước tính 2,5 tỷ USD. Vậy SVB sẽ cần phải tính toán thêm về lượng tài sản cần bán để đáp ứng nghĩa vụ trả gần 180 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm.

Nếu SVB bán hết lượng tài sản cần thiết để thực hiện trách nhiệm tiền gửi, chắc chắn sẽ có những biến động bất thường trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng như châu Á, bởi khá nhiều trái phiếu mà SVB mua là do một số doanh nghiệp bảo hiểm châu Á phát hành.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE