Ngành chip của Mỹ và Nhật liên minh để “đấu” TSMC, Samsung

Mỹ và Nhật Bản củng cố mối quan hệ hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, tăng khả năng cạnh tranh.
Lĩnh vực bán dẫn của Mỹ và Nhật cần hợp tác để cạnh tranh với các đối thủ mạnh
Lĩnh vực bán dẫn của Mỹ và Nhật cần hợp tác để cạnh tranh với các đối thủ mạnh

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda đến thăm Mỹ hồi đầu tháng 5. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, ông Koichi Hagiuda dự kiến công bố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo Nihon Keizai, hai quốc gia đồng ý cùng nhau phát triển thế hệ chip 2 nm (nanomet) để cạnh tranh với TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc - những công ty chạy đua để trình làng công nghệ bán dẫn 2 nm vào năm 2025.

Các quan chức của Mỹ và Nhật Bản gặp gỡ
Các quan chức của Mỹ và Nhật Bản gặp gỡ

Ngoài thỏa thuận hợp tác phát triển công nghệ 2 nm, Mỹ và Nhật cũng thống nhất mục tiêu ngăn chặn rò rỉ công nghệ sang Trung Quốc.

Mỹ đang tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cũng muốn đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Mỹ để giảm sự ảnh hưởng từ các đối tác Đài Loan.

Mới đây, TSMC cũng mở nhà máy đặt tại tỉnh Kumamoto của Nhật Bản để tăng cường sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, các con chip được sản xuất tại nhà máy này chủ yếu sử dụng công nghệ từ 10 nm đến 20 nm, không phải sản phẩm công nghệ cao. Vì thế, các chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh rằng ngành này cần có chiến lược khác để tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất chất bán dẫn.

Hiện tại, TSMC và Samsung là hai "ông lớn" trong ngành bán dẫn toàn cầu. Cả hai đang phát triển quy trình 2 nm để bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư để phát triển chip, bán dẫn trong tình cảnh bị Mỹ “o ép” nhiều năm qua. Vì thế, để có tiếng nói hơn trên bản đồ công nghệ thế giới trong tương lai, Mỹ và Nhật Bản đi đến quyết định hợp tác để tận dụng sức mạnh của nhau, cùng kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng bán dẫn.

Chính quyền ông Biden coi trọng chiến lược tự chủ nguồn cung chip

Chính quyền ông Biden coi trọng chiến lược tự chủ nguồn cung chip

Trong khi đó, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến chất bán dẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thậm chí theo WSJ, nhiều nhà sản xuất thiết bị làm chip đang gặp vấn đề về nguồn cung ứng kinh kiện.

Thời gian giao hàng của một số thiết bị phục vụ việc sản xuất chip tăng lên nhiều lần, có thiết bị phải chờ 2-3 năm mới có thể giao hàng.

Advantest America là công ty chuyên sản xuất thiết bị kiểm tra hoạt động của chip - quy trình bắt buộc trước khi chip được xuất xưởng. Theo đại diện công ty, thời gian giao hàng cho các thiết bị do Advantest America sản xuất tăng gấp đôi hoặc hơn. Các máy thử cần khoảng 250.000 bộ phận, thiếu một vài linh kiện cũng có thể gây chậm trễ cho toàn bộ thành phẩm.

ASML, công ty Hà Lan chuyên sản xuất các thiết bị làm chip cao cấp, cho rằng nhu cầu với các thiết bị sẽ còn vượt xa nguồn cung trong năm tới. Công ty đang làm việc với các đối tác nhằm tìm cách cải thiện tình hình. Tuy nhiên, tình trạng khó được cải thiện cho đến năm 2025.

Các cỗ máy sản xuất chip được đánh giá loại thiết bị có độ phức tạp và tinh vi nhất thế giới. Những năm gần đây, nhu cầu về chip tăng cao cũng khiến các cỗ máy này đắt hàng.

Khủng hoảng bán dẫn còn kéo dài trong nhiều năm

Khủng hoảng bán dẫn còn kéo dài trong nhiều năm

Những công ty sản xuất chip lớn như TSMC, Samsung, Intel liên tục đưa ra kế hoạch chi hàng trăm tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất. Tuy nhiên khủng hoảng chip toàn cầu tạo nên vòng luẩn quẩn của thị trường. Để giải quyết vấn đề, một số nhà cung ứng bắt đầu triển khai các ưu tiên cho những công ty sản xuất thiết bị làm chip.

Các chuyên gia nhận định tình hình khan hiếm chip có thể sẽ diễn ra ít nhất thêm 1-2 năm. Theo báo cáo của tập đoàn tài chính Susquehanna công bố tháng 4, các đơn hàng hiện có thời gian giao hàng khoảng 6 tháng, mức cao nhất trong lịch sử.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE