Ngành điều Việt Nam: Kiên nhẫn đường dài

Trong khi giá điều thô vẫn ở mức cao thì doanh nghiệp chế biến điều nhân không bán được hàng vì sức mua giảm. Các chuyên gia cho rằng, ngành điều cần tăng cường liên kết và kiên trì trong việc kích cầu tiêu dùng, hướng tới giá trị phát triển bền vững.
Ảnh minh họa: Báo Lao động
Ảnh minh họa: Báo Lao động

Chưa có tín hiệu sáng

Năm 2022, giá điều thô nguyên liệu cao trong khi giá nhân điều lại quá thấp đã khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam chịu thiệt hại không nhỏ. Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Đối ngoại và Xúc tiến thương mại Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, những vấn đề lớn về chính trị, kinh tế thế giới như xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương tăng lãi suất... đã khiến cho vật giá leo thang, đồng tiền bị mất giá ở nhiều quốc gia, tác động lớn đến sức khỏe nền kinh tế các nước nói chung và thị trường nhân điều nói riêng. Sức mua giảm, đặc biệt giá điều nhân giảm ở mức rất thấp trong 10 năm trở lại đây.

Trong khi nhu cầu thị trường giảm thì nguồn cung điều thô thế giới vẫn tiếp tục tăng. Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 cho biết, suốt thời gian dài giá điều thô thế giới khá ổn định nên nhiều nước mở rộng diện tích trồng điều, làm cho sản lượng điều thô tăng nhanh hơn so với mức tăng của nhu cầu tiêu dùng. Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Mỹ và EU liên tục tăng lãi suất, các nhà nhập khẩu, bán buôn điều nhân thế giới không kham nổi lãi suất nên hạn chế hoặc ngừng mua hàng trữ sẵn trong kho như trước.

“Lạm phát, sức mua tiêu dùng suy yếu đã cắt đứt chuỗi tăng trưởng liên tục suốt 10 năm của ngành điều xuất khẩu Việt Nam. Ngay cả Công ty Hoàng Sơn 1 vốn đang duy trì đà tăng trưởng 20% suốt mười mấy năm liền thì đến năm 2022 lần đầu tiên không tăng trưởng về doanh số”, ông Huyên chia sẻ.

Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn phân tích thêm, cùng với điều, sản lượng nhiều loại hạt khác cũng tăng; trong đó, có những loại hạt như hạnh nhân cung đã vượt cầu khá nhiều. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu nhân điều không chỉ nhìn vào thị trường nhân điều mà còn nhìn vào sản lượng điều thô và cung cầu các loại hạt khác để định giá nhân điều.

Những yếu tố trên khiến cho trong năm 2022, dù tiêu thụ nhân điều trên toàn cầu nhìn chung không giảm, lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam giảm không nhiều, nhưng giá xuất khẩu nhân điều lại giảm mạnh và ở mức quá thấp. Trong khi đó, giá điều thô lại quá cao và không hợp lý so với giá nhân điều. Chính việc mất cân đối giữa giá điều thô và giá nhân điều xuất khẩu đã gây ra thiệt hại đối với các doanh nghiệp và cả ngành điều Việt Nam.

Thông tin từ các doanh nghiệp, bước sang năm 2023 thị trường điều nhân vẫn trầm lắng. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, nông dân bắt đầu thu hoạch điều, các doanh nghiệp cũng bước vào xử lý nguyên liệu, chế biến, nhưng hợp đồng còn khá ít. Trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu lớn Âu - Mỹ đã ký hợp đồng mua nhân điều dài hạn cho 6 tháng, nhiều hợp đồng tới 9 tháng hoặc hơn.

Nhưng từ đầu năm 2023, nhà nhập khẩu nào ký hợp đồng với thời gian mua dài nhất cũng chỉ tới giữa năm, nhưng với số lượng hạn chế. Nhìn chung, các nhà nhập khẩu đang mua một cách cầm chừng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhận định, trong thời gian tới, tình hình vẫn chưa khả quan đối với việc xuất khẩu nhân điều của Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu dài hạn

Điểm sáng hiếm hoi dành cho ngành điều Việt Nam là việc Trung Quốc đã từ bỏ chính sách Zero-COVID. Ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanfimex Group nhận định, việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường trở lại từ tháng 1/2023 giúp toàn bộ nền kinh tế nước này dần lấy lại niềm tin từ các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Trung Quốc có dân số rất đông, sau một thời gian dài phải ở nhà do chính sách Zero-COVID, người Trung Quốc sẽ du lịch nhiều hơn trong thời gian tới. Điều này giúp cho việc lưu thông cũng như tiêu thụ hạt điều ở thị trường này trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu điều nhân vào Trung Quốc những năm qua cũng sụt giảm dần, từ mức gần 15% xuống còn khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam.

Với bối cảnh sức mua khó khôi phục trong thời gian ngắn, doanh nghiệp chế biến cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ các hợp đồng mua trữ điều thô nguyên liệu. Ông Trần Văn Hiệp cho rằng, doanh nghiệp chế biến không nên vội vã ký hợp đồng mua điều thô giá cao, không cân đối được với giá nhân điều xuất khẩu.

Đơn hàng ít, doanh nghiệp phải tính toán giá đầu vào - đầu ra hợp lý sao cho có lãi, tránh thiệt hại như những năm trước. Ngoài ra, cần lưu ý kiểm tra kỹ chất lượng điều nguyên liệu, tránh các lô hàng bị pha trộn nguyên liệu tồn kho từ các mùa vụ trước, ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân xuất khẩu.

Ông Nguyễn Minh Họa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bimico khuyến nghị, doanh nghiệp không nên mua vội vã mua nguyên liệu giá cao vì hiện nay sản lượng điều thô thế giới đang tăng, lượng tồn kho ở các quốc gia đều cao nên sẽ không có tình trạng thiếu nguyên liệu.

“Việt Nam đang là quốc gia chế biến điều nhân số một thế giới, xuất khẩu điều nhân số một thế giới và cũng là nước nhập điều thô nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu hiện tại là sản xuất phải có lợi nhuận chứ không làm mọi cách để bán được hàng, thậm chí là chịu lỗ. Doanh nghiệp cần cân nhắc về sản lượng sản xuất; có đơn hàng đến đâu, mua nguyên liệu đến đó vì nguyên liệu đầu vào chiếm đến 85% chi phí sản xuất điều nhân”, ông Họa nêu quan điểm.

Ông Marc Rosenlatt, Richard Franco Agency, chuyên gia thị trường điều tại Mỹ thông tin, dù nhu cầu tiêu thụ hạt điều có phần chững lại do những khó khăn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang là thị trường xuất khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam và khi có điều kiện, người dân Mỹ cũng như nhiều quốc gia phát triển khác có xu hướng tăng tiêu dùng sản phẩm dinh dưỡng như hạt và trái cây sấy.

“Tiếp tục hạ giá bán điều nhân không phải là giải pháp có thể giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay của ngành điều. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần tìm cách gia tăng tiêu thụ hạt điều trên diện rộng bằng việc đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời, cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối điều thô với doanh nghiệp chế biến điều nhân xuất khẩu trong việc định giá, tạo thế cân bằng giữa nguyên liệu và thành phẩm, đảm bảo lợi ích cho các mắt xích trong chuỗi”, ông Marc Rosenlatt khuyến nghị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường điều sẽ có chuyển biến chậm hơn các mặt hàng thiết yếu khác, nhưng doanh nghiệp nào vượt qua được giai đoạn này sẽ định vị được tệp khách hàng tốt hơn. Quan trọng nhất, trong mọi trường hợp, các doanh nghiệp xuất khẩu cần giữ vững ưu tiên việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; chủ động xanh hoá quy trình sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Có như vậy, hạt điều Việt Nam mới giữ vững vị trí số một thế giới, không chỉ về sản lượng mà cả chất lượng và thương hiệu.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE