Ngành thương mại điện tử "khát" nhân lực chất lượng

Ngành thương mại điện tử "khát" nhân lực chất lượng

Theo báo cáo đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) năm 2022, cả nước hiện nay có tới trên 110 trường đào tạo, giảng dạy về TMĐT. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên của ngành thì “vừa thiếu, vừa yếu”, chương trình đào tạo lại nặng về lý thuyết...

Đó một số thông tin đáng chú ý tại báo cáo “Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học năm 2022” được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố tại họp báo ngày 24/8.

Theo VECOM, từ năm 2015 đơn vị này đã dự đoán giai đoạn 10 năm 2016 – 2025 hoạt động TMĐT của Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển nhanh và ổn định. Trên thực tế nửa đầu của giai đoạn đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của lĩnh vực này.

Đặc biệt, trong hai năm 2020 – 2021, thời điểm nước ta trải qua đại dịch COVID-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội - cũng là thời điểm kinh tế số, trong đó có lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia dự báo, tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai của TMĐT.

Và để ngành này tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn tới là đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, nghiên cứu của VECOM vừa công bố đã chỉ ra không ít hạn chế, tồn tại trong hoạt động đào tạo nhân lực cho hoạt động TMĐT hiện nay...

Phó chủ tịch VECOM Bùi Trung Kiên tại buổi công bố báo cáo “Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học năm 2022”. Ảnh Tuấn Việt

Phó chủ tịch VECOM Bùi Trung Kiên tại buổi công bố báo cáo “Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học năm 2022”. Ảnh Tuấn Việt

Nở rộ đào tạo ngành TMĐT khi "khát" nhân lực chất lượng

Theo Phó chủ tịch VECOM Bùi Trung Kiên, Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của ngành trong giai đoạn tới.

Trong đó, kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học. Do đó, hiệp hội này mới đây đã phối hợp với hơn 130 trường đại học để khảo sát về thực trạng đào tạo và ngành TMĐT trong các trường hiện nay.

Theo kết quả khảo sát, với sự phát triển nhanh chóng công cuộc chuyển đổi số, nhu cầu nhân lực của ngành TMĐT rất lớn, dẫn đến xu hướng các trường đại học đào tạo, mở ngành này tăng lên nhanh chóng.

Đáng chú ý, trước năm 2016, chỉ có khoảng 23% các trường được hỏi cho biết có đào tạo về TMĐT, nhưng từ từ 2016 đến 2020 tỷ trọng này là 49%. Và chỉ trong chưa đầy 2 năm, tức là từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ này lên tới 28%.

Theo báo cáo của VECOM

Theo báo cáo của VECOM

Theo VECOM, số trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học (mã ngành 7340122) giai đoạn vừa qua liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường.

Đồng thời, có gần 40 trường đại học đã đào tạo chuyên ngành TMĐT, phân bố chủ yếu ở khu vực Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Cùng với đó, có tới 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số, tài chính – ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại hay du lịch...

Về tổng thể, báo cáo vừa công bố ước tính, đã có trên 110 trường giảng dạy TMĐT từ mức học phần tới ngành đào tạo chuyên biệt.

Chất lượng đào tạo không theo kịp tăng trưởng về quy mô

Tuy có những bước tiến lớn như trên nhưng theo VECOM, các trường đại học hiện nay còn rất nhiều thử thách cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.

Thứ nhất là đội ngũ giảng viên về TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên hiện chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu.

Thứ hai, học liệu phục vụ đào tạo thương mại điện tử chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục như TMĐT, bên cạnh các giáo trình và tài liệu tham khảo dạng in cần có các phiên bản điện tử để có thể cập nhật kịp thời sự tiến bộ về công nghệ cũng như thực tiễn kinh doanh.

Thứ ba, một vấn đề nổi cộm là hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Thứ tư, các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn.

Thứ năm, công tác dự báo nhu cầu vẫn còn khoảng trống. Theo đó, cần có dự báo khách quan về nhu cầu học TMĐT với chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm tới, đảm bảo số lượng chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ sáu, hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về học TMĐT còn chưa mạnh mẽ. Một mặt, đây là nhiệm vụ của mỗi trường, nhưng mặt khác đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các trường, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực này.

Thứ bảy, số lượng các trường đại học đào tạo ngành TMĐT tăng nhanh chưa tương xứng với chất lượng của chương trình đào tạo. Tỷ lệ các trường có chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành TMĐT đã được kiểm định chất lượng và đạt yêu cầu còn rất thấp.

Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Thành Hưng - Hội đồng Tư vấn cấp cao về TMĐT cho biết, hiện nay đa số các trường đại học chưa đủ học liệu phục vụ cho đào tạo TMĐT nên chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập.

“Có tới 67% các trường đại học sử dụng giáo trình của nước ngoài. Việc hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Hưng đặc biệt lưu ý điểm thứ 3 trong 7 vấn đề còn tồn tại của hoạt động đào tạo ngành này.

Theo một khảo sát công bố gần đây của VECOM, tới hết quý 1/2022 đã có 44 địa phương trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và vận hành các sàn TMĐT. Phần lớn các địa phương giao cho Sở Công Thương là đơn vị chủ quản.

Tuy nhiên, không chỉ hạn chế về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực để vận hành hoạt động TMĐT lại vừa thiếu vừa yếu. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc lựa chọn tên miền chưa phù hợp cũng như hiệu quả hoạt động rất thấp của các sàn TMĐT tại các địa phương. Trên thực tế, nhiều đơn vị vận hành những sàn này hầu như chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về TMĐT.

Đọc tiếp

Thông tin mới nhất về tuyến đường 14.000 tỉ đồng kết nối từ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đến trung tâm Tp.Vũng Tàu

Thông tin mới nhất về tuyến đường 14.000 tỉ đồng kết nối từ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đến trung tâm Tp.Vũng Tàu

Sau khi thống nhất đầu tư tuyến đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến trung tâm Tp.Vũng Tàu mới đây dự án đang được hoàn tất các bước chuẩn bị để khởi công. Trong đó, với đoạn qua TP. Bà Rịa sẽ ban hành giá đất cụ thể để tiến hành đền bù ngay trong tháng 4/2024.

Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư

Bà Rịa-Vũng Tàu, thỏi “nam châm” hút vốn đầu tư trong và ngoài nước

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa tổ chức “Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư”. Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh tiến hành trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và tăng vốn cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.880 tỷ đồng và hơn 1,4 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE