Nghịch lý nhà đầu tư bất động sản vẫn liều mình “lướt sóng” trong lúc thị trường hạ nhiệt

Bất chấp thị trường bất động sản đang giảm tốc một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đi ngược đám đông vẫn đi tìm đất giá rẻ và sẵn sàng lướt sóng trong thời điểm này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, bức tranh thị trường bất động sản bao trùm màu u ám, tình trạng thanh khoản sụt giảm nhanh chóng đã khiến nhiều người bán đất chấp nhận hạ giá bán nhằm thoát hàng.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tại một số điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm,... giá đất được chào bán đã rẻ hơn từ 10 - 20% so với thị trường. Còn theo số liệu từ DKRA, trong tháng 7 vừa qua, sức cầu chung thị trường đất nền đạt 48%, giảm đáng kể so với trước đó, cụ thể, giảm 6% so với tháng trước đó và giảm 26% so với tháng 5/2022.

Thực tế, thị trường bất động sản đuối thanh khoản, giao dịch thành công khó xảy ra, không ít nhà đầu tư không đủ sức cầm cự đã phải giảm giá sâu hơn so với thị trường. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có tiềm lực, thời gian này là cơ hội để mua được đất giá rẻ, thậm chí là liều mình lướt sóng.

Anh Nguyễn Khánh, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội thừa nhận, thị trường bất động sản đang “ngấm đòn” khiến giá ở nhiều khu vực đã giảm, nhiều người đã không dám kỳ vọng vào thị trường thời gian này. Tuy nhiên, anh cho rằng, thị trường hạ nhiệt cũng là cơ hội của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mua bất động sản giá tốt hơn.

“Nhiều lô đất trong thời gian sốt có trả cao hơn chủ đất cũng không bán. Nhưng giờ thị trường chững lại, một số nhà đầu tư dùng đòn bẩy quá sức đã chấp nhận cắt lỗ để giải tỏa áp lực. Thời gian này, không chỉ mình mà cả nhóm đầu tư của tôi vẫn đi lựa những lô đất có tiềm năng để mua vào, nhưng phải nhìn thấy lợi trước mắt mới xuống tiền”, anh Khánh nói.

Đơn cử, một lô đất tại Thường Tín (Hà Nội), có diện tích 97m2, thời điểm sốt đất, mức giá lên tới 30 triệu đồng/m2, tương đương gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian này, chủ đất muốn bán nhanh buộc phải cắt lỗ 600 triệu đồng. Chớp cơ hội, anh Khánh đã xuống tiền mua ngay mảnh đất này.

“Vì mảnh đất này nằm ở vị trí khá thuận tiện, giáp khu vực được quy hoạch Vành đai 4 cách khu công nghiệp cũng không xa nên tôi quyết định mua. Mua xong khoảng một tháng sau tôi sang tay cho người khác chênh được 100 triệu đồng. Thu hồi vốn, tôi tiếp tục đi tìm những mảnh đất có vị trí tốt để xuống tiền”, nhà đầu tư này nói.

Theo anh Khánh, mặc dù thị trường thanh khoản kém nhưng vẫn có giao dịch. Những lô đất có vị trí đẹp, gần khu dân cư vẫn có thể sang tay ngay, nhưng mức lợi nhuận sẽ không được cao như thời gian sốt.

“Thực tế, không phải mảnh đất nào cũng có thể sang tay, tôi cứ mua vào nếu có ai hỏi mua mà có lãi là tôi bán ngay, còn không thì cứ để đó. Đầu tư đất trong thời gian này cũng cần xác định tâm lý có thể sẽ phải ôm đất một thời gian dài nếu thị trường chuyển biến xấu đi. Nên đối với những người có sẵn tiền sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều và phải lựa chọn bất động sản rất kỹ”, anh Khánh nói.

Theo anh Thanh Tùng, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, thị trường đang lâm vào tình trạng khó thanh khoản nhưng vẫn có giao dịch. Đặc biệt, những mảnh đất có vị trí đẹp, nằm ở những khu vực có dự án quy hoạch rõ ràng, sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới, hoặc những lô đất gần khu dân cư và có khả năng khai thác giá trị thực.

“Để lướt sóng trong thời gian này, đòi hỏi nhà đầu tư phải mua được đất ở mức giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường và có pháp lý rõ ràng. Ở thời điểm này, nhà đầu có nhiều lợi thế để đàm phán, thậm chí ép giá những chủ đất đang gánh áp lực tài chính. Tuy nhiên, việc lướt sóng trong thời gian này vẫn có nhưng rất ít. Theo tôi, để có cơ hội chiến thắng cao hơn, nhà đầu tư nên giữ tiền và tiếp tục theo dõi tín hiệu từ thị trường bất động sản trong thời gian tới”, vị Giám đốc phòng giao dịch bất động sản khuyên.

Theo Markettimes

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE