Người độc thân giết chết ngành bất động sản Trung Quốc

Sự suy giảm của số cuộc hôn nhân, vốn là động lực quan trọng của ngành bất động sản, đã đẩy thị trường nhà đất vào khủng hoảng.
Ngành bất động sản Trung Quốc không còn được thúc đẩy khi tỷ lệ kết hôn giảm mạnh.
Ngành bất động sản Trung Quốc không còn được thúc đẩy khi tỷ lệ kết hôn giảm mạnh.

Bong bóng bất động sản Trung Quốc đang nhanh chóng xẹp xuống. Những người trong ngành và chính quyền địa phương đang cố gắng hồi sinh nó, theo South China Moring Post.

Song lĩnh vực này đang bị bủa vây bởi những khó khăn về tài chính của các nhà phát triển, nguồn cung dư thừa trong bối cảnh nợ hộ gia đình cao, khủng hoảng khả năng chi trả và quan trọng là tỷ lệ kết hôn giảm.

Chính phủ có thể giảm bớt áp lực tài chính cho các nhà phát triển và cắt giảm chi phí nợ cho các hộ gia đình.

Nhưng không có giải pháp nào vực dậy tỷ lệ kết hôn - vốn là động lực quan trọng duy nhất của nhu cầu về tài sản.

Ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc phải giảm quy mô ít nhất một nửa nếu muốn đạt được bất kỳ sự ổn định nào.

Động lực phát triển thần kỳ

Ngành bất động sản từng có quy mô khổng lồ và giá cao trong một thời gian dài, một phần nhờ động lực độc đáo của thị trường hôn nhân hiện đại của Trung Quốc. Những người đàn ông muốn kết hôn phải sở hữu nhà, tốt nhất là không mắc nợ.

Cha mẹ và ông bà của chú rể cũng tham gia "đường đua" mua nhà, thường chi hết tiền tích lũy của họ. Nhu cầu đó từng giúp ngành bất động sản nở rộ.

Trong lịch sử truyền thống Trung Quốc, chú rể là người chịu gánh nặng tài chính của đám cưới và lo sính lễ cho nhà vợ. Điều này gắn liền với thanh thế gia đình cùng kỳ vọng người đàn ông phải gánh vác mọi thứ bằng bất cứ giá nào.

Văn hóa Trung Quốc đã thúc đẩy coi trọng thanh danh gia tộc trong hàng nghìn năm. Hoàng đế ban tặng danh hiệu hoàng tộc cho các gia đình như một phần thưởng càng khiến nó trở nên quý giá.

Tiếng tăm của gia đình cũng là động lực mạnh mẽ nhất cho trật tự xã hội. Dù cuộc sống khó khăn đến đâu, một người đàn ông vẫn cố gắng hết mình, tìm một người phụ nữ để kết duyên và sinh con nối dõi tông đường.

Trước đây, một người đàn ông giàu có thể cưới năm thê bảy thiếp để sinh nhiều con trai - cũng là một cách chắc chắn để tiếp nối sự giàu có.

Gánh nặng mua nhà được đặt lên vai đàn ông Trung Quốc

Cha mẹ cô dâu thường có quyền đưa ra yêu cầu về sính lễ tương xứng với điều kiện nhà trai. Trong thời hiện đại, nhu cầu về sính lễ được chuyển sang yêu cầu có một căn nhà.

Niềm tin rằng cuộc hôn nhân mang lại nhiều lợi ích cho gia đình nhà trai đã đặt gánh nặng lo liệu tài chính lên vai người đàn ông.

Xu hướng này đã thúc đẩy ngành bất động sản Trung Quốc trong hơn 15 năm.

Tuy nhiên, số cặp kết hôn đã giảm xuống mức kỷ lục vào cuối năm 2021, chỉ còn 7,6 triệu cuộc hôn nhân - bằng một nửa so với mức cao nhất là 13,5 triệu vào năm 2013.

Năm 2013, có 1,3 tỷ m2 bất động sản (tương đương khoảng 13 triệu căn hộ) đã được bán, và nợ hộ gia đình ở mức thấp (16,6 nghìn tỷ nhân dân tệ), nhiều người già giàu có nhờ tiết kiệm.

Tới năm 2021, nợ hộ gia đình đã tăng lên 71,1 nghìn tỷ nhân dân tệ, thế hệ ông bà trong gia đình cũng cạn tiền.

Tỷ lệ kết hôn thấp giết chết ngành bất động sản

Khi hôn nhân ngày càng đắt đỏ, nhu cầu cưới hỏi giảm mạnh. Những người đàn ông ế vợ ngày càng nhiều và gây ra sự thay đổi trong xã hội.

Nam giới người bắt đầu chống lại những ý tưởng về giá trị hôn nhân, sự nam tính và trách nhiệm. Họ không chấp nhận việc sinh ra là đàn ông buộc mình phải chịu những khoản thế chấp khổng lồ, thường khiến 3 đời mắc nợ.

Nam giới Trung Quốc đang chống lại trách nhiệm mà xã hội đặt lên vai họ.

Từ năm 2013 đến 2021, 14 tỷ m2 bất động sản đã được sở hữu, trị giá 116 nghìn tỷ nhân dân tệ và chiếm 15% GDP. Tỷ lệ sở hữu nhà ở thành thị đã đạt 90%. Khi nền kinh tế đình trệ và đồng nhân dân tệ suy yếu, nhu cầu đầu tư cũng không còn.

Còn khoảng 7 tỷ m2 bất động sản nhà ở đang được xây dựng và chưa bán được. Nếu những cặp kết hôn đều mua bất động sản, và tỷ lệ kết hôn không giảm thêm, vẫn sẽ mất khoảng 10 năm để tiêu thụ hết số bất động sản tồn kho này. Sẽ còn cả quãng đường dài trước khi thị trường ổn định trở lại.

Tuy nhiên, cả ngành công nghiệp lẫn chính quyền đều không sẵn sàng từ bỏ cơn sốt nhà đất. Doanh thu bán đất và thuế bất động sản đã đạt trung bình gần 10% tổng sản phẩm quốc nội trong những năm gần đây.

Chi phí tài chính cho các khoản thế chấp và xây dựng bất động sản dân cư có lẽ trị giá 7-8% GDP, và chủ yếu được trả cho hệ thống tài chính nhà nước, với một số phần còn lại cho các ngân hàng vô hình. Chắc chắn có nhiều nhóm lợi ích quyền lực vận động chính quyền trung ương để vực dậy nó.

Có nhiều nỗ lực theo hướng này, nhưng không có nỗ lực nào sẽ có tác động lâu dài. Ngành công nghiệp bất động sản đang trở thành một thây ma.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE