Người Việt chọn mua TV: Ngày càng “không để ý” thương hiệu

Tiêu chí thương hiệu ngày càng không quá quan trọng với khách hàng Việt khi lựa chọn TV, đặc biệt với phân khúc trung cấp và giá rẻ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điều kiện kinh tế bất ổn, nhu cầu mua sắm với đồ điện tử, trong đó có sản phẩm TV đi xuống. Thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi chứng kiến doanh số TV liên tục giảm mạnh.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu độc lập, trong năm 2021 khi đại dịch hoành hành, toàn thị trường tiêu thụ hơn 2,7 triệu TV, giảm tới hơn 15% so với năm trước đó. Sang năm 2022, dù điều kiện bình thường trở lại, thị trường không thể hồi phục, thậm chí tiếp tục đà giảm nhẹ. Đến nửa đầu 2023, doanh số TV tại Việt Nam được ghi nhận tiếp tục đà đi xuống.

Trong đà tụt dốc suốt gần 3 năm qua, thị trường cũng chứng kiến sự thay đổi trong tâm lý mua sắm TV của khách hàng Việt. Cụ thể, người dùng dần dà không quá mặn mà với yếu tố thương hiệu sản phẩm mà đề cao đến các tiêu chí như chất lượng ổn định, giá bán hợp lý, tính năng đủ dùng.

Minh chứng cho điều này là thị phần của 2 hãng TV dẫn đầu thị trường Việt Nam đều ghi nhận xu hướng giảm. Cụ thể, theo thống kê, thị phần của Samsung từ 40,1% (năm 2021) về 38,3% (2022), Sony cũng giảm thị phần từ 19,1% xuống 17,7% trong cùng thời kỳ.

Xiaomi kết hợp với các nhà bán lẻ lớn như FPT Shop tập trung bán độc quyền sản phẩm ở phân khúc tầm trung và giá rẻ
Xiaomi kết hợp với các nhà bán lẻ lớn như FPT Shop tập trung bán độc quyền sản phẩm ở phân khúc tầm trung và giá rẻ

Ở chiều ngược lại, các hãng TV “mới nổi” ở Việt Nam như TCL, Casper, Xiaomi lấy dần “miếng bánh” thị phần. Trong đó, TCL có thêm 3% thị phần (từ 10,5% lên 13,5%), Casper có thị phần tăng từ 6,5% lên 7,2%. Xiaomi ra mắt sau nhưng cũng nhanh chóng gia tăng vị thế trên thị trường.

Chuyên gia công nghệ Tiến Minh phân tích: “Nguyên nhân là người dùng đang không nhận thấy sự khác biệt quá lớn giữa các nhãn hàng, đặc biệt ở phân khúc bình dân. Không tính các TV ở phân khúc cao cấp, các TV tầm giá bình dân nếu bỏ hết logo ra sẽ không có sự khác biệt giữa các hãng.

Điều này bắt nguồn từ chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở hơn bao giờ hết. Các công ty ở quy mô nào cũng có thể tạo ra sản phẩm công nghệ với sự chênh lệch không nhiều về chất lượng, thiết kế, tính năng”.

Là hãng TV top đầu thế giới và ở Trung Quốc, TCL đánh chiếm thị trường Việt Nam bằng chiến lược phủ đủ phân khúc. Sản phẩm đa dạng đem đến nhiều lựa chọn cho khách hàng cùng mức giá tốt hơn so với 3 đối thủ dẫn đầu là Samsung, Sony, LG giúp TCL vươn lên là kẻ thách thức 3 “ông lớn”.

Từ đầu năm nay, TCL ra mắt dòng QLED 4K C645 với 5 biến thể màn hình kích thước từ 43-75 inch, giá trải dài từ 11 triệu đến 29 triệu đồng. Dòng TV TCL QLED 4K Q646 cũng có đến 4 model với kích thước màn hình và giá bán khác nhau.

Trong khi đó, Casper với mác “hàng Thái Lan” cũng khá thành công nhờ chính sách bán lẻ tốt, chiết khấu mạnh tay cho các đại lý để đẩy hàng ra thị trường.

Chiến lược của hãng là tiếp tục giữ chỗ đứng và tăng dần thị phần trên thị trường bằng việc tập trung cho chiến lược phân phối. Về sản phẩm, Casper chỉ tung ra 2 mẫu TV cao cấp từ đầu năm để làm thương hiệu là LaCasper OLED TV 55CGS810 có giá 42,9 triệu đồng và LaCasper OLED TV 65CGS810 giá là 53,9 triệu đồng. Doanh số tiêu thụ của TV Casper vẫn dựa vào các sản phẩm giá rẻ của hãng.

Với Xiaomi, hãng kết hợp với các nhà bán lẻ lớn, tập trung bán độc quyền sản phẩm ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.

Đơn cử, Xiaomi hợp tác chuỗi FPT Shop bán mẫu Mi TV P1 kích thước 55 inch giá 7,99 triệu đồng, rẻ hơn 30-50% so với các sản phẩm đối thủ. Ngoài ra, hãng cũng giới thiệu hàng loạt lựa chọn TV kích thước nhỏ và vừa với giá từ 3,9 triệu đến 8,5 triệu đồng, đánh mạnh vào phân khúc tầm trung và giá rẻ với 2 model Mi TV A2, Mi TV P1 cùng nhiều lựa chọn về kích thước màn hình.

Chuyên gia Tiến Minh nhận định, tầng lớp người dùng trẻ Việt Nam đang sẵn sàng chấp nhận các thương hiệu mới. Đây là cơ hội cho các hãng như TCL, Casper, Xiaomi tiến vào thị trường TV. Trong đó Xiaomi là cái tên quen thuộc với người dùng yêu công nghệ bởi hệ sinh thái sản phẩm đa dạng của hãng xuất hiện từ lâu ở Việt Nam. Đồ của Xiaomi được định vị là chất lượng, giá tốt, thông minh và thiết kế tinh tế.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE