Nhiều “hạt sạn” bán bảo hiểm

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, có nhiều hành vi vi phạm trong phân phối bảo hiểm ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Hành vi ép mua bảo hiểm có thể bị phạt tiền 40 - 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 2 - 3 tháng
Hành vi ép mua bảo hiểm có thể bị phạt tiền 40 - 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 2 - 3 tháng

Năm 2022, doanh thu bán bảo hiểm trên toàn thị trường tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng xảy ra không ít vụ tranh chấp. Ông có thể chia sẻ về những “hạt sạn” dựa trên các vụ tranh chấp bảo hiểm thời gian qua?

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo thông tin từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lẫn bảo hiểm nhân thọ thì khâu bán hàng, khai thác khách hàng liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những dấu hiệu vi phạm trong khâu bán bảo hiểm, dẫn đến tranh chấp.

Những vi phạm trong khâu bán bảo hiểm chủ yếu nằm ở quá trình tư vấn đi đến ký kết hợp đồng thiếu trách nhiệm. Cụ thể, bên bán bảo hiểm nhân thọ như sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, sản phẩm phụ… không chủ động tư vấn, giải thích đầy đủ các thông tin về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ. Hiện tượng này cũng xảy ra ở khối bảo hiểm phi nhân thọ khi bán bảo hiểm xe máy, ô tô, bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu…, phổ biến nhất là vi phạm trong bán bảo hiểm xe cơ giới.

Đáng chú ý, khi bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bên bán không chủ động tư vấn đầy đủ về chi phí đóng, lãi suất được hưởng trong quyền lợi đầu tư, không kê khai bệnh, chỉ tập trung bán để thu phí của khách hàng, hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các danh hiệu.

Ngoài ra, có những “hạt sạn” vô hình, không dễ nhận ra.

Những “hạt sạn” vô hình đó là gì?

Qua quan sát và tiếp cận các vụ việc tranh chấp, chúng tôi thấy có những vi phạm như đại lý bán bảo hiểm, hay còn gọi là các tư vấn viên bảo hiểm ở cả hai khối bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm khác khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của đơn vị mà họ đang làm đại lý; có những hoạt động đại lý bảo hiểm được thực hiện khi chưa ký hợp đồng đại lý, hoặc hợp đồng đại lý bảo hiểm hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, có hiện tượng lôi kéo khách hàng thông qua hình thức đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác, nhưng không chứng minh được nội dung; cấu kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm nhằm phân chia thị trường bảo hiểm, khép kín dịch vụ bảo hiểm.

Ngoài ra, có hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm, làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; thậm chí tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác.

Đáng chú ý, năm 2022 gần như “vỡ trận” các tranh chấp bảo hiểm liên quan đến việc ngân hàng trong vai trò là đại lý của các công ty bảo hiểm đã “ép” khách hàng tham gia bảo hiểm mới cho vay.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng và bảo hiểm đã lên tiếng sẽ xử lý nghiêm hành vi “ép” mua bảo hiểm. Liệu hiện tượng này có suy giảm trong thời gian tới?

Hầu hết ngân hàng hiện nay đều có hoạt động bancassurance - phân phối sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Việc bán bảo hiểm ngày càng được các ngân hàng đẩy mạnh trong bối cảnh yêu cầu về vốn ngày càng khắt khe và khó cho vay do cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng là điều dễ hiểu. Khi tín dụng bị thắt chặt, việc bán bảo hiểm được ngân hàng thúc đẩy nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, cũng như tăng thêm thu nhập cho chính ngân hàng. Chừng nào doanh thu từ mảng này còn tăng, các bên (bao gồm cả khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng là người tham gia bảo hiểm) chưa tuân thủ tốt các quy định trong phân phối bảo hiểm thì các tranh chấp, vi phạm khó có thể thuyên giảm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trong đó, dự thảo đặt ra yêu cầu đối với việc bán bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng.

Trong khi đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách mua bảo hiểm khi cấp tín dụng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ và giải ngân cho khách hàng đúng quy định.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, không ít doanh nghiệp phản ánh rằng, muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Việc này làm tăng thêm chi phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí đầu vào có xu hướng tăng.

Chúng tôi mong cơ quan quản lý có các động thái chấn chỉnh kịp thời, mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ với kênh bán qua ngân hàng, mà với mọi kênh bán bảo hiểm, để giảm thiểu hành vi vi phạm dẫn đến tranh chấp trên toàn thị trường.

Theo ông, hành vi “ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng sẽ bị chế tài xử phạt nào?

Việc bán bảo hiểm được thực hiện thông qua nhiều khâu khác nhau như tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm; cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm…

Về nguyên tắc, khi bán bảo hiểm, đại lý bảo hiểm phải tuân theo các tiêu chuẩn hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm chất lượng đại lý bảo hiểm. Trong trường hợp đại lý bảo hiểm gây thiệt hại đến quyền và lợi hợp pháp của người được bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, đại lý phải bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đã bồi thường cho người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm trong trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm.

Theo Khoản 2, Điều 17, Nghị định 98/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hành vi ép mua bảo hiểm có thể bị phạt tiền 40 - 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ 2 đến 3 tháng.

Theo Đầu tư chứng khoán

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE