Nhiều quốc gia tăng cường đảm bảo nguồn cung năng lượng

Sau cuộc hội đàm với Tiểu vương Qatar (Ca-ta) Tamim bin Hamad Al Thani, Thủ tướng Hungary (Hung-ga-ri) Viktor Orban cho biết hai bên đã ký thỏa thuận về việc mua bán khí đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, hai nước này cũng có kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một video đăng trên mạng xã hội Facebook, ông Orban nói: "Trong năm qua, chúng tôi đã biết rằng Qatar là một quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu đối với châu Âu. Nền kinh tế châu Âu đã được bù đắp một phần đáng kể khí đốt từ Qatar sau khi cắt giảm nguồn cung từ Nga... Chúng tôi đã nhất trí hợp tác năng lượng, chúng tôi cũng sẽ mua khí đốt từ Qatar, việc có nhiều cơ hội luôn là điều tốt hơn".

Ông cũng cho biết, sau cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo Hungary và Qatar cũng nhất trí phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông hàng không, hợp tác trong lĩnh vực thông tin liên lạc và nông nghiệp, qua đó mở ra triển vọng tốt đẹp cho hợp tác kinh tế Qatar-Hungary.

Hồi tháng 3/2023, phát biểu tại Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Oran, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) Toufik Hakkar cho biết Algeria (An-giê-ri) có kế hoạch đưa ra thị trường không dưới 100 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm trong 5 năm tới. Theo ông Hakkar, Sonatrach sẽ tiếp tục đảm bảo cho các đối tác của mình một nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên an toàn, đáng tin cậy, ổn định và bền vững, miễn là nhu cầu khí đốt được đảm bảo trong trung và dài hạn.

Trước đó, trong năm 2022, Sonatrach đã cố gắng tăng sản lượng sản xuất khí đốt nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các khách hàng trong và ngoài nước cũng như tăng cường xuất khẩu cho các đối tác mới, đặc biệt là tại thị trường châu Âu.

Nhân dịp này, Giám đốc điều hành của Sonatrach cũng kêu gọi các công ty quốc tế tiếp tục tham gia đầu tư vào khai thác và sản xuất khí đốt tại Algeria nhằm tăng nguồn cung. Quốc gia Bắc Phi này có trữ lượng khí đốt tự nhiên được đánh giá ở mức gần 2.400 tỷ m3. Hiện nay, Algeria đáp ứng gần 11% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Đây là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu của châu Phi và là nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ 7 trên thế giới.

Trong khi đó, Chủ tịch Cơ quan quản lý năng lượng, Klaus Mueller, đã bác bỏ khả năng nước này rơi vào tình trạng khẩn cấp về nguồn cung khí đốt trong mùa Đông hiện nay, nhưng không thể loại trừ nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông 2023/24.

Những yếu tố rủi ro là mùa Đông 2023/24 có thể rất lạnh và người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sử dụng khí đốt ít tiết kiệm. Một yếu tố rủi ro khác có thể đến từ việc kế hoạch về cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng không hiệu quả và các nước láng giềng đề nghị sự hỗ trợ về nguồn cung từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Cho đến nay, Đức đã ứng phó được với động thái Nga dừng cung cấp khí đốt, nhờ thời tiết ấm, nhu cầu giảm và các nguồn cung thay thế.

Mức dự trữ khí đốt của Đức hiện là 63,89%, vượt ngưỡng mà Chính phủ Đức phải kiểm soát mức tiêu thụ, chủ yếu nhờ thời tiết tương đối ấm trong những tháng qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn được yêu cầu giảm mức tiêu thụ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ Albert Rösti cho biết, các chiến dịch của chính phủ nhằm tiết kiệm khí đốt và điện trong mùa Đông sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine (U-crai-na) và khi nguồn cung của châu Âu không ổn định phần lớn đã thành công.

Bộ trưởng Rösti cho biết thêm các quỹ dự trữ khẩn cấp do chính phủ thiết lập vào năm ngoái không cần phải huy động. Ông đánh giá cao các dịch vụ công, doanh nghiệp và hộ gia đình vì những nỗ lực đã đạt được và đồng thời nói rằng gần 60% số công ty sử dụng hệ thống lắp đặt nhiên liệu kép đã thực hiện kêu gọi chuyển từ khí đốt sang dầu mỏ.

Ông Rösti cho rằng không thể loại trừ những khó khăn tiếp theo trong những năm tới dù mùa Đông vừa qua ấm hơn bình thường. Thụy Sỹ “sẽ phải tiếp tục tiết kiệm” để tránh thiếu hụt trong tương lai.

Mặc dù các mục tiêu năng lượng cho mùa Đông 2022-2023 đã đạt được, nhưng những năm tới sẽ cần những nỗ lực tương tự để đảm bảo an ninh nguồn cung.

Ngày 16/5, Bộ trưởng Năng lượng CH Cyprus (Síp) Giorgos Papanastasiou cho biết, có hai công ty dầu khí quốc tế lớn đang quan tâm đến kế hoạch của Israel (I-xra-en) và CH Cyprus nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ ở Địa Trung Hải tới Nicosia rồi hóa lỏng phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Papanastasiou, các kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt sẽ được công bố vào ngày 29/5 tới nhằm thu hút các công ty thăm dò dầu khí ngoài khơi, các doanh nghiệp xây dựng đường ống và nhà máy xử lý khí đốt. Dự kiến Bộ Năng lượng CH Cyprus sẽ làm việc với từng doanh nghiệp để thuyết phục sự ủng hộ của họ.

Theo ông Papanastasiou, ưu điểm chính của dự án này là chi phí thấp hơn so với các dự án xuất khẩu khí đốt khác và dự án này được đánh giá là phiên bản rút gọn của dự án đường ống Đông Địa Trung Hải (East-Med) dài 1.900 km trị giá 6 tỷ USD nhưng đã bị phá sản sau khi Mỹ rút vốn.

Từ tháng 11/2022 đến nay, Israel và CH Cyprus đang tích cực đàm phán nhằm phân định quyền khai thác mỏ khí đốt chung Aphrodite-Yishai ở Đông Địa Trung Hải. Israel cũng đang có 11 mỏ khí đốt tại khu vực này trong khi CH Cyprus sở hữu 5 mỏ tại vùng biển này.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE