Nhìn lại cục diện thương mại Mỹ - Trung Quốc từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump

Trong năm 2022, tổng giá trị hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 536,8 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm liền trước và gần sát mốc 538,5 tỷ USD vào năm 2018.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng tốt bất chấp việc hai nước có những căng thẳng gần đây ví như vụ việc liên quan đến khinh khí cầu trong tuần trước, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Trong năm 2022, tổng giá trị hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 536,8 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm liền trước và gần sát mốc 538,5 tỷ USD vào năm 2018, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Tổng giá trị hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc trong năm ngoái chỉ tăng trưởng 1,6%, chính vì vậy tổng giá trị thương mại giữa hai nước tăng lên mức kỷ lục 690,6 tỷ USD, những con số này chưa điều chỉnh với lạm phát.

Những con số về thương mại như trên được công bố khi mà vụ việc liên quan đến khinh khí cầu tạo ra căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tuần trước đã quyết định trì hoãn chuyến thăm đến Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ hai bên đang có những vướng mắc. Phía Trung Quốc cũng đã tuyên bố phản đối hành động quân sự từ phía Mỹ.

Việc thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm ngoái phản ánh cho tăng trưởng thương mại Mỹ tăng cao với phần còn lại của thế giới, tuy nhiên đáng nói thương mại tăng trưởng cao lại diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra rất nhiều nỗ lực trong việc làm giảm thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Biden đã duy trì hàng trăm loại thuế áp với hàng hóa của Trung Quốc từng bị chính quyền cựu Tổng thống Trump áp dụng trước đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm đến công nghệ Trung Quốc, đồng thời với nhiều chính sách mới khác liên quan đến lao động.

Trung Quốc là bên cung cấp rất nhiều các loại sản phẩm mà phía Mỹ đang cần đến, trong đó có bao gồm điện thoại di động, máy tính cá nhân và tấm pin năng lượng mặt trởi, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế và chuyên gia ngành.

Dù rằng các biện pháp thuế quan từ phía Mỹ bao gồm nhiều sản phẩm của Trung Quốc, vẫn còn rất nhiều các loại sản phẩm chưa bị áp thuế cao. Chính vì vậy, nhập khẩu các loại hàng hóa ví dụ như điện thoại di động, laptop và máy chơi trò chơi tăng vọt trong đại dịch COVID-19.

Chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, ông Chad Bown, chỉ ra lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không chịu thuế quan tăng trưởng 50% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2022 còn nhập khẩu các sản phẩm có chịu thuế 25% giảm 22%. Những loại thuế quan trên chủ yếu nhắm đến nhiều sản phẩm trung gian ví như chất bán dẫn, phụ tùng ô tô và thép.

“Những doanh nghiệp mua hàng có phải chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ thường có xu thế tìm kiếm nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc còn những doanh nghiệp mua sản phẩm từ Trung Quốc nhưng không phải chịu thuế khi nhập vào Mỹ vẫn duy trì việc nhập khẩu”, ông Bown nói.

Dù vậy, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu vào Mỹ giảm đáng kể so với trước khi các biện pháp thuế của chính quyền Trump được áp dụng vào năm 2018. Trong chiến lược được biết đến với cái tên “Trung Quốc cộng một”, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn hàng hóa từ Trung Quốc đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó bao gồm nhiều nước tại Đông Nam Á và Mexico. Từ năm 2017 đến năm 2022, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ tăng 174%, từ Đài Loan tăng 117% còn từ Ấn Độ tăng 76%.

Tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ giảm xuống còn 16,5% trong năm 2022 từ mức 21,6% của năm 2017, trong khi đó tỷ lệ của các nước còn lại trong châu Á tăng lên 24,8% từ mức 20,9%. Các nước EU và Anh chiếm khoảng 19% tổng nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ trong năm 2022, gần tương đương với mức của năm 2017.

Theo Lao Động và Công Đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE