Nhu cầu cao gạo nội địa tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá lúa lên cao

Nhu cầu gạo nội địa đang tăng cao trong dịp giáp Tết, trong khi nguồn cung hạn chế do diện tích thu hoạch lúa Đông Xuân 2023 chưa nhiều, đẩy giá lúa tươi ở miền Tây tăng cao. Lúa Đông Xuân sớm bán được giá tốt khiến nông dân vô cùng phấn khởi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhu cầu gạo nội địa tăng mạnh là yếu tố chính đẩy giá lúa Đông Xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao và đang dao động từ 7.100 – 7.200 đồng/kg.

Nhu cầu gạo nội địa tăng mạnh mùa giáp Tết

Ông Trần Tuấn Kiệt - Giám Đốc Công Ty TNHH Lương thực – Thực phẩm XNK miền Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp làm gạo xuất khẩu đã đóng cửa nghỉ Tết nhưng nhu cầu gạo nội địa trên thị trường đang cao, đặc biệt là khu vực phía Bắc, trong khi diện tích thu hoạch lúa Đông Xuân sớm rất ít, chỉ ở một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu và khu vực Mỹ An - Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, vì là lúa Đông Xuân sớm nên năng suất thấp so với năm qua.

Cánh hàng xáo cho biết nhu cầu gạo chợ tăng trong khi nguồn cung hạn chế đẩy giá lúa tươi DT8, OM18 tại ruộng dao động từ 7.100-7.200 đồng/kg, với mức này nông dân trồng lúa rất phấn khởi. Lượng lúa này phần lớn cung ứng có các nhà máy xay gạo xô bán cho chợ gạo An Cư - Cái Bè với giá 10.300-10.500đ/kg.

Năm 2023, tín hiệu tích cực từ thị trường Philippines

Mới đây, tờ The Philippine Star cho biết, Philippines có thể nhập khẩu nhiều gạo hơn ngô trong năm nay do sản lượng gạo thấp hơn cùng kỳ và việc gia hạn các mức thuế thấp hơn.

Trong một báo cáo, Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines lên 3,8 triệu tấn trong năm 2023 từ mục tiêu 3,4 triệu tấn trước đó, do nhu cầu bù đắp cho sự thiếu hụt sản xuất.

Trước đó, Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) Philippines cho biết nước này có thể cần nhập khẩu ít nhất 3 triệu tấn gạo với tình trạng thiếu hụt do sản lượng thấp và mức sử dụng lương thực cao hơn.

Trong báo cáo mới nhất của FAS cho biết, sản lượng gạo xay xát của Philippines dự kiến sẽ thấp hơn, xuống còn 11,975 triệu tấn so với dự báo trước đó là 12,411 triệu tấn trong năm nay.

FAS đã trích dẫn, thiệt hại từ Siêu bão Karding vào tháng 9/2022 là một trong những yếu tố khiến dự báo thấp hơn.

“Diện tích thu hoạch đã giảm xuống còn 4,7 triệu ha do thiệt hại do siêu bão Karding gây ra. Trong khi đó, việc giảm bón phân cũng sẽ làm giảm năng suất lúa”, FAS cho biết.

USDA cũng ước tính mức tiêu thụ gạo của Philippines sẽ đạt 15,7 triệu tấn vào năm tới, cao hơn so với dự báo trước đó là 15,6 triệu tấn. Điều này phù hợp với sự thay đổi nhu cầu từ bánh mì giá cao sang gạo.

Tháng trước, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã phê chuẩn sự tán thành của Ủy ban về Thuế quan và các vấn đề liên quan của Hội đồng để mở rộng mức thuế suất Tối huệ quốc (MFN) thấp đối với thịt lợn (tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh), ngô, gạo và than theo Điều hành Đặt hàng (EO) số 171 trong một năm nữa.

Top 4 thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam lần lượt là Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia, trong đó 3 thị trường Philippines, Malaysia và Indonesia đều tăng rất mạnh, riêng thị trường Trung Quốc lại sụt giảm đến 2 con số. Cụ thể:

Đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Philippines, trong năm 2022 nước này đã nhập khẩu 3.213.708 tấn từ Việt Nam, trị giá 1,419 tỷ USD, so với năm rồi tăng 30,91% về khối lượng và tăng 56,13% về giá trị, chiếm 45,22% tổng khối lượng xuất khẩu gạo của cả nước.

Thứ hai là thị trường Trung Quốc, trong năm qua xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang thị trường này đạt 850.949 tấn, với kim ngạch đạt được là 432,317 triệu USD, so với năm ngoái giảm 19,63% về khối lượng và giảm 17,29% về kim ngạch.

Thị trường Malaysia đứng thứ ba với khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2022 đạt 438.401 tấn, trị giá 199 triệu USD, so với năm trước tăng 53,12% về khối lượng và tăng 40,25% về kim ngạch.

Thứ tư là thị trường Indonesia và khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2022 sang thị trường này đạt 119.205 tấn, trị giá 58,624 triệu USD, so với năm 2021 tăng 77,48% về lượng và tăng 77,92% về kim ngạch.

Doanh nghiệp gạo “ngóng” nới room tín dụng

Theo ông Kiệt có nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường gạo xuất khẩu, nhất là tín hiệu đến từ Philippines – thị trường chủ lực của gạo Việt Nam, và doanh nghiệp kỳ vọng năm 2023 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam. Đặc biệt, khi vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, nguồn cung lúa gạo hàng hóa nhiều giá lúa sẽ giảm khi đó doanh nghiệp gạo rất cần tiền mua lúa tạm trữ.

Để có thể xuất khẩu gạo được giá tốt vừa đảm bảo lợi ích cho nông dân lẫn doanh nghiệp, các doanh nghiệp gạo cần chuẩn bị nguồn vốn để vào vụ Đông Xuân - vụ lúa chính cho sản lượng và chất lượng lúa gạo tốt nhất mua dự trữ với khối lượng lớn, vì hầu hết các nước nhập khẩu gạo đều muốn mua gạo của Việt Nam trong vụ mùa này.

“Dự kiến, trong quý 1/2023 Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng và giải ngân cho doanh nghiệp gạo, khi đó các nhà cung ứng và các doanh nghiệp xuất khẩu có thể mua tạm trữ lúa gạo với khối lượng để chuẩn bị bán hàng vào tháng 5, tháng 6 khi nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu tăng cao.

Dự kiến là vậy nhưng đến nay các doanh nghiệp gạo vẫn chưa vay được tiền, thực tế này khiến họ vô cùng lo lắng, vì qua Tết là thu hoạch rộ lúa Đông Xuân doanh nghiệp cần tiền mua gạo tạm trữ đón đầu nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines được dự báo tăng mua so với năm 2022”, Giám Đốc Công Ty TNHH Lương thực – Thực phẩm XNK miền Nam nói.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE