Những bất ổn của Foxconn và hậu quả Apple phải gánh chịu

Cuộc biểu tình mới đây tại Foxconn đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo cho gã khổng lồ công nghệ Apple về tình trạng chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Chuyên gia uớc tính "gã khổng lồ" công nghệ Apple sẽ thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tuần trong kỳ nghỉ lễ vì sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Ảnh: Bloomberg.
Chuyên gia uớc tính "gã khổng lồ" công nghệ Apple sẽ thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tuần trong kỳ nghỉ lễ vì sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Ảnh: Bloomberg.

Trên mạng xã hội Trung Quốc hiện lan truyền hình ảnh một nhóm công nhân đi qua hàng rào bị đổ và kéo sập các thanh chắn tại một khu ký túc xá, trong cuộc biểu tình tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu.

Được biết, nguyên nhân của tình trạng bất ổn này là do các vấn đề về giao tiếp và nhân viên không tin tưởng vào ban lãnh đạo của doanh nghiệp, cũng như những sai lầm về tuyển dụng của Foxconn. Hiện nhà máy đang trong tình trạng khá hỗn loạn do công nhân biểu tình phản đối việc chậm trả lương.

Tuy nhiên, theo trang tin Bloomberg, cuộc xung đột tại nhà máy iPhone này không chỉ mang tính chất bùng phát mà nó còn đánh dấu tình trạng bất ổn trong chuỗi cung ứng của Apple.

Sự bất ổn của Foxconn

Trên thực tế, nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu hiện là nhà máy lớn nhất của hãng, với 200.000 công nhân chịu trách nhiệm sản xuất 45% sản phẩm cho Apple. Cơ sở này đang chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn dòng iPhone 14, lên đến 80% số lượng.

Chính vì vậy, khi cuộc xung đột xảy ra tại nhà máy này đồng nghĩa với việc chuỗi sản xuất của Apple sẽ bị gián đoạn. Hơn nữa, những bất ổn của nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới thực tế đã âm ỉ từ khá lâu. Trước đó, nhà máy sản xuất ở Trịnh Châu này còn liên tục phải đóng cửa vì các trường hợp Covid-19. Và giờ đây thêm một khúc mắc trong vấn đề lương thưởng có lẽ đã khiến “giọt nước tràn ly”.

Hiện tại, Foxconn thông báo rằng vấn đề đã được giải quyết và họ đã hoàn thành các hợp đồng thanh toán cho nhân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng hoạt động sản xuất tại nhà máy không bị ảnh hưởng và sản lượng vẫn “bình thường”.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn nhận định rằng ít nhất 10% thị phần sản xuất iPhone toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến 30% sản lượng iPhone của Apple sụt giảm trong tháng 11.

Đồng thời, Apple cũng đã cảnh báo rằng họ dự kiến các lô hàng iPhone 14 cao cấp xuất xưởng thấp hơn so với dự đoán trước đây.

Thế khó của Apple

Tình trạng phức tạp tại Foxconn khiến nhiều người một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple.

Và không chỉ riêng gã khổng lồ điện thoại, sự kiện này cũng khiến nhiều tập đoàn khác phải xem xét lại về hệ thống sản xuất, khi ngày càng nhiều những nguyên tắc và chính sách cứng rắn được đặt ra trong khuôn khổ phòng chống Covid-19 của Trung Quốc.

Bà Alicia Garcia Herrero - nhà kinh tế trưởng tại Natixis - cho biết: "Nhiều công ty đang tự hỏi liệu vấn đề của Apple có xảy ra với mình không?". Và theo bà, "bất cứ công ty nào phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc đều nên xem xét các giải pháp thay thế". Sẽ tốn kém, nhưng chắc chắn ít thiệt hại hơn so với việc phụ thuộc vào Trung Quốc và rồi nền kinh tế này đóng cửa.

Dưới quan điểm của bà Herrero, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần ít nhất từ 1 năm đến 18 tháng để mở cửa, nhưng điều quan trọng nhất là Chính phủ phải thông báo rõ ràng về kế hoạch phục hồi.

Apple hiện vẫn đang phát triển các kế hoạch sản xuất ở các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam hay Thái Lan. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Thomas Forte - nhà phân tích của DA Davidson - cho rằng sự gián đoạn có thể khiến Apple mất một khoản doanh thu lớn từ iPhone trong dịp nghỉ lễ năm nay. Trong khi đó, nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities lại ước tính rằng Apple sẽ mất khoảng 1 tỷ USD mỗi tuần do sản xuất iPhone không được như trước.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE