Những căn nguyên của triệu chứng “cơn sốt” lãi suất

Một lần nữa lãi suất VND lại có “cơn sốt” trên thị trường liên ngân hàng, trong khi lãi suất huy động tiếp tục ghi nhận mức cao mới và diễn biến mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Cơn sốt” lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từng xẩy ra cách đây khoảng một tháng, trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Khi đó lãi suất VND qua đêm đột biến tới 7-8%/năm.

Rất nhanh, NHNN lập tức có can thiệp, biến động trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà điều hành luôn có mặt suốt nhiều tháng qua, làm con thoi bận rộn bơm - hút tiền cân đối thanh khoản ngắn hạn hệ thống, cũng như gián tiếp hỗ trợ các cân đối lớn hơn như tỷ giá, lạm phát…

Lần này, lãi suất qua đêm hôm qua (4/10) tăng vọt lên 7,74%/năm, thậm chí tầm 10h sáng hôm qua đã có thảng thốt với thông tin khối nguồn một số ngân hàng thương mại (NHTM) chuyền tay mức chào hơn 10%/năm; các kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh.

Cũng như “cơn sốt” lần trước, NHNN lập tức có mặt và bơm tiền ra hỗ trợ ngắn hạn. Hôm qua ghi nhận cơ quan này bơm gần 12.000 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO), kỳ hạn 7 ngày. Trong ngày có gần 1.000 tỷ đồng bơm ra trước đó đáo hạn, nên tính chung lượng bơm ròng riêng là 11.000 tỷ đồng.

Điểm được chú ý ở hoạt động cân đối trên là lãi suất OMO đã lên tới 6,9%/năm; các NHTM vay nóng ở đây đã không còn được chi phí dễ chịu quanh 4,5%/năm chỉ vừa mới chưa đầy một tháng trước, hay xa hơn chút chỉ 2,5% nửa đầu năm nay.

Và như trên, khi không vay được nguồn qua OMO, nhà băng cần vốn gấp cho cân đối thanh khoản phải vay trên liên ngân hàng với lãi suất cao hơn nữa.

Nguyên tổng giám đốc một NHTM bình luận về diễn biến trên rằng: Đó là những mức lãi suất trừng phạt, phải trả giá bởi một số nhà băng dùng và quen dùng “doping” thời gian qua; đến khi cơ thể suy yếu thực thì cái giá phải trả càng cao hơn trường hợp không thường dùng “doping”.

“Nhưng đó không phải là vấn đề”, vị nguyên tổng giám đốc ngân hàng nói.

Cũng như trong huy động vốn dân cư và tổ chức kinh tế, trong ngày 4/10 thị trường tiếp tục có mức lãi suất gọi vốn lên tới 9%, thậm chí đã có những chào mời trực tiếp tới 10%/năm mà không niêm yết, không truyền thông mở rộng.

Người am hiểu hoạt động ngân hàng nói trên cho rằng, điều đó là bình thường. Các NHTM được tự chủ động, có quyền tăng lãi suất huy động, mức nào thuộc mục tiêu của họ mà thôi, ngoại trừ các kỳ hạn trong trần quy định. Họ chịu trách nhiệm và chịu chi phí cho các mức cao đó. Bởi thấy xu hướng thị trường, nâng lãi suất để sớm hút nguồn cũng có thể xem là… nhạy bén, hoặc đơn giản họ phải giữ chân khách hàng cũ kẻo bị nhà băng khác lấy đi.

“Như tôi nói ở trên lãi suất tăng cao như vậy không phải là vấn đề. “Cơn sốt” này chỉ là triệu chứng của những căn nguyên nào đó trong cơ thể”, nguyên tổng giám đốc ngân hàng trên đặt vấn đề, mà ông cho rằng việc NHNN cho uống thuốc bằng đẩy mạnh bơm tiền ngắn hạn qua OMO chỉ là để hạ sốt chứ không phải chữa bệnh và xử lý hẳn các căn nguyên gây sốt.

Những căn nguyên đó lại không hẳn nằm trong khả năng xử lý của NHNN, có cả căn nguyên ngoài hệ thống.

Thứ nhất, đương nhiên mọi chủ thể đều đang nhìn về, đang sống chung với các đợt tăng lãi suất liên tiếp của hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt từ Mỹ. Việt Nam cuối cùng cũng đã tăng các lãi suất điều hành vừa qua.

Thứ hai, một lượng vốn rất lớn các NHTM đã cho vay đi mà không hoặc chưa trở về, kẹt ở nợ xấu hoặc hiện không gọi là nợ xấu. Ở đây, cũng có một phần khách quan bởi đại dịch COVID-19 hai năm qua ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng đối với khách hàng vay vốn, hệ thống phải cơ cấu lại nợ để hỗ trợ. Lượng vốn lớn không/chưa về đương nhiên khiến các lỗ thủng trong cơ cấu cân đối vốn xuất hiện, càng lớn và mật độ càng dày càng dễ khiến đứt gãy thanh khoản mà vũ khí quen thuộc để vá, có thể vá nhanh là qua lãi suất tăng sức gọi vốn mới.

Thứ ba, có những lỗ thủng - khoảng trống nằm ngoài hệ thống ngân hàng nhưng có liên thông mật thiết. Cú hẫng đột ngột trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã làm gián đoạn guồng quay của nhiều doanh nghiệp, cũng như áp lực đáo hạn trái phiếu hoặc yêu cầu phải mua lại trái phiếu trước hạn gia tăng… Những doanh nghiệp liên quan gặp khó khăn thanh khoản, họ có nợ tại ngân hàng thì áp lực trả nợ cũng liên đới.

Thứ tư, quán tính của thị trường, của hoạt động ngân hàng đã kéo dài thời gian qua mà khi xuất hiện những lỗ thủng hoặc khoảng trống thanh khoản như trên khiến căn nguyên gây nên những “cơn sốt” lãi suất càng bộc lộ. Với đặc thù chủ yếu vốn huy động ngắn hạn, nhưng NHTM vẫn phải gánh nhu cầu vay trung dài hạn trong nền kinh tế. Đặc thù này trở thành yếu điểm khi xung quanh không còn hồng hào.

Như trên, kênh tưởng như sẽ chia lửa bền vững cho nhu cầu vốn trung dài hạn trên là trái phiếu doanh nghiệp đã và đang gần như “phanh gấp”. Cùng đó, dữ liệu NHNN cập nhật từ đầu năm đến nay cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản luôn cao hơn vượt trội so với tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung. Một đặc điểm của tín dụng bất động sản là trung dài hạn.

Theo vị nguyên tổng giám đốc ngân hàng nói trên, mặc dù NHNN luôn cảnh báo những năm qua, rà soát và thậm chí nâng các hàng rào kỹ thuật, nhưng “thói quen dùng doping” ở đây rõ ràng nhận thấy nhiều NHTM vẫn ưa, tập trung cho vay bất động sản, bởi đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận hấp dẫn (cả trực tiếp lẫn gián tiếp bán chéo sản phẩm dịch vụ).

Khi cân đối kỳ hạn, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như trên, hẫng các kênh chia lửa, nợ xấu lớn khiến tiền đi mà không/chưa về đúng hẹn khiến cân đối kỳ hạn càng trở nên mong manh, gia tăng áp lực thanh khoản và gây sức ép lên lãi suất.

Chưa hết, một căn nguyên thứ năm đang có bóng dáng hình thành, có ở tình huống các dòng tiền bị kẹt khi thanh khoản bất động sản không còn hồng hào, sôi động sau những cơn sốt trong năm 2021 và nửa đầu năm nay. Nếu tiền đầu cơ bất động sản kẹt ở đây, mối liên hệ cũng cần được nhìn tới.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Chat với BizLIVE