Nối mạch nghị trường, mở lối tương lai

Vượt ra ngoài thông lệ, Quốc hội đã luôn sáng đèn khi cuộc sống cần quyết sách kịp thời. Năm 2023 cũng đang khởi đầu như vậy…
Nối mạch nghị trường, mở lối tương lai

1. Đã qua 3 kỳ họp chỉ trong một năm 2022, Quốc hội khoá XV lại có thêm một kỳ họp bất thường ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023. Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp này, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hơn một lần nhấn mạnh, là thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về nguyên tắc, tại kỳ họp bất thường Quốc hội chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu cuộc sống, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao.

Nếu chỉ nhìn vào mốc thời gian 2021 - 2030 của Quy hoạch thì đã thấy ngay tính cấp bách, cần phải được phê duyệt càng sớm càng tốt. Còn nói về sự cần thiết, thì theo Chủ tịch Quốc, đây là lần đầu tiên nước ta tiến hành xây dựng một quy hoạch như thế, chưa có tiền lệ, do đó đây là việc rất mới và rất khó.

“Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch này là quy hoạch cấp cao nhất, chi phối các quy hoạch quốc gia khác như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải dựa trên quy hoạch cấp cao nhất này, do đó chúng ta không thể để muộn được”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ sự cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh Duy Linh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh Duy Linh

Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm rằng, theo nghị quyết của Quốc hội về giám sát đối với chính sách pháp luật về quy hoạch thì quy hoạch này cần phải được phê duyệt cuối năm 2022. Nhưng mốc này đã lỡ hẹn, vì thế nếu chuẩn bị kịp, chuẩn bị kỹ sẽ xem xét, phê duyệt vào đầu tháng 1/2023, cũng là căn cứ để rà soát lại các quy hoạch khác. Vì thế đây là nội dung quan trọng nhất của kỳ họp bất thường nếu được tổ chức vào đầu năm mới.

Đó là nói về vị trí, vậy còn nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì đặc biệt?

Trước hết, Quy hoạch xác định rõ quan điểm phát triển, trong đó nêu rõ thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cũng được xác định. Theo đó, về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8 - 8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.

Đây là lần đầu tiên nước ta tiến hành xây dựng một quy hoạch như thế, chưa có tiền lệ, do đó đây là việc rất mới và rất khó.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài – TP.HCM - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia, bảo đảm tính kết nối cao giữa đô thị trung tâm cấp quốc gia với các đô thị vùng và khu vực nông thôn; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Về xã hội: Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2.

Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Cùng với đó, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian biển, sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời; tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội; các ngành hạ tầng kỹ thuật; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu... cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Và, khi những vấn đề đại sự đó được bấm nút thông qua, đồng nghĩa Quốc hội sẽ tính đến nguồn lực để biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thành hiện thực.

Ảnh: Nghĩa Đức

Ảnh: Nghĩa Đức

2. Bên cạnh những nội dung hệ trọng mang tầm chiến lược, những quyết sách cho cả chặng đường dài, Quốc hội cũng không “quên” những vấn đề cụ thể đang diễn ra hàng ngày, khiến cử tri băn khoăn, lo lắng. Các phiên họp hàng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho ý kiến về công tác dân nguyện.

Gần nhất, ở phiên họp tháng 12/2022, Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phản ánh, cử tri còn lo lắng về tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề. Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Tình trạng rút bảo hiểm một lần có xu hướng gia tăng...

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã rất lo lắng về tình hình doanh nghiệp, theo ông chưa được đề cập đậm nét tại báo cáo dân nguyện.

Ông nói, qua tiếp xúc cử tri thì thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường thì thiếu thanh khoản, đây là vấn đề doanh nghiệp đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý, giải quyết.

Nhìn từ đầu quý 4/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Chứng khoán thời điểm đó cũng xuống dưới 1.000 điểm, trái phiếu doanh nghiệp thì thắt chặt, bất động sản thì bán tháo…

Những vấn đề đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo giải quyết, nhưng ông Thanh cũng băn khoăn là “trước đây có Nghị định 65 để sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng khi sửa từ Nghị định 153 thành Nghị định 65 thì các điều kiện để phát hành trái phiếu cũng rất chặt, vẫn cần tiếp tục tháo gỡ”.

Doanh nghiệp đang đề nghị khó khăn trên tất cả các kênh, các thị trường bất động sản, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... cần sớm giải quyết. Nếu tình trạng này kéo dài thì một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, có thể dẫn đến phá sản - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

3. Vượt qua đại dịch, dẫu còn bộn bề khó khăn, kinh tế dần phục hồi và vững vàng bước lên phía trước. Vượt ra ngoài thông lệ, Quốc hội đã luôn sáng đèn khi cuộc sống cần quyết sách kịp thời. Một năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội họp bất thường, quyết định chương trình phục hồi kinh tế, tháo gỡ nhiều vường mắc về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Năm nay, Quốc hội thêm một kỳ họp bất thường, vừa quyết định những vấn đề đại sự như quy hoạch tổng thể quốc gia, vừa lo xử lý linh hoạt những vấn đề về tài chính - ngân sách, tăng sức sống cho nền kinh tế, cũng như tạo dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô.

Tất cả, cũng không ngoài mục tiêu để đất nước VỮNG VÀNG PHÍA TRƯỚC.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE