Ông Trần Lê Minh: “Thị trường chứng khoán có thể bước vào giai đoạn tương đối trầm lắng”

Trong lịch sử không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nước nào, cứ giai đoạn nào mà chính sách tiền tệ siết chặt thì thị trường chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
Ông Trần Lê Minh
Ông Trần Lê Minh

Trong bối cảnh đầu tư chứng khoán không còn dễ như nửa cuối năm 2020 và toàn bộ năm 2021 nữa, có lẽ sẽ cần phải quan tâm đến yếu tố về chất thay cho yếu tố về lượng.

Trong nửa đầu năm 2022 đã có nhiều biến cố rất ngẫu nhiên, ví như sự kiện cuộc chiến Nga - Ukraine hay sự kiện gần đây trên đảo Đài Loan với nhiều căng thẳng về địa chính trị, khiến cho các thành viên thị trường cảm thấy “việt vị”, tức gần như không thể dự báo trước điều gì sẽ xảy ra.

Đối với khoảng thời gian còn lại của năm 2022, nhà đầu tư cần phải nhìn nhận về những thách thức để xử lý, để có thể bảo toàn và sinh lời cho danh mục của mình.

Tại Hội thảo "Triển vọng thị trường tài chính, Cơ hội và Thách thức" sáng 6/8, ông Trần Lê Minh - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital đã có quan điểm riêng về rủi ro đối với thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng cuối năm 2022.

Ông Minh cho rằng thị trường đang đối diện với rủi ro bước vào giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong lịch sử của thị trường cổ phiếu không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nước nào, cứ giai đoạn nào mà chính sách tiền tệ được siết chặt thì chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Nhận định về tình hình lạm phát, ông Minh tóm gọn trong dự báo: “Nếu giá lợn hơi không vượt 70.000 đồng/kg và giá xăng A05 không vượt 29.000 đồng/lít, lạm phát sẽ dưới 4%”.

Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đặc biệt nhóm bốn ngân hàng thương mại lớn nhất, đã tăng hơn đáng kể so với khoảng thời gian trước. Thực tế này không phải xuất phát từ chủ ý của các ngân hàng, không phải họ cứ muốn tăng là sẽ tăng được mà nó thuộc về chủ ý của Ngân hàng Nhà nước (SBV).

Ông Trần Lê Minh chia sẻ quan điểm tóm gọn tại hội thảo sáng nay: “Nếu giá lợn hơi không vượt 70.000 đồng/kg và giá xăng A05 không vượt 29.000 đồng/lít, lạm phát sẽ dưới 4%”.
Ông Trần Lê Minh chia sẻ quan điểm tóm gọn tại hội thảo sáng nay: “Nếu giá lợn hơi không vượt 70.000 đồng/kg và giá xăng A05 không vượt 29.000 đồng/lít, lạm phát sẽ dưới 4%”.

Lãi suất dự báo sẽ tăng mạnh vào thời gian cuối năm. Theo dõi của Dragon Capital cho thấy từ năm 2012 đến năm 2020, SBV lần lượt 8 lần điều chỉnh lãi suất OMO (lãi suất ở thị trường mở, thị trường điều tiết dòng tiền chạy trong hệ thống ngân hàng), từ 8% về 2,6%. SBV hiện giờ đã bắt đầu tăng lại lãi suất OMO. Khi lãi suất này tăng, chi phí vốn của các ngân hàng tăng.

Trong bối cảnh như vậy, sự tăng trưởng của thị trường cổ phiếu không được ủng hộ. Chính vì vậy sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng mọi người sẽ phải làm quen dần với thời kỳ tương đối trầm lắng của thị trường cổ phiếu.

Ông Minh lưu ý quan điểm mà ông đưa ra ở đây không đại diện cho Dragon Capital mà với cương vị của một trong những nhà đầu tư lão làng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Minh bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2003.

Cũng theo ông Minh, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: “Khi nào SBV có thể thay đổi chính sách tiền tệ của mình?”. Như quan điểm của chuyên gia Trần Văn Báu đưa ra cũng tại hội thảo này, quý 2 hoặc quý 3/2023, Fed sẽ bắt đầu nới lỏng lại chính sách tiền tệ, SBV cần phải nhìn vào Fed. “Fed đứng thì Việt Nam đứng còn Fed ngồi Việt Nam ngồi”, theo cá nhân ông Minh, góc nhìn này cũng có phần chính xác từ góc độ nào đó.

Dữ liệu quá khứ mà ông Minh có được cho thấy rằng SBV chỉ nới lỏng chính sách tiền tệ khi mà giá hàng hóa thế giới thực sự xác nhận xu thế xu giảm rõ rệt. Kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, Việt Nam nhập hàng hóa vào và rồi lại xuất đi, vậy nên chừng nào giá hàng hóa hay nguyên vật liệu đầu vào chưa giảm, SBV chưa thể nào nới lỏng chính sách tiền tệ. Vậy khi nào nhà nước bắt đầu trích lập quỹ dự phòng giá xăng dầu trở lại, tăng lại thuế môi trường hiện đang giảm, đó có thể coi như tín hiệu cho thấy SBV sẽ nới lại chính sách tiền tệ, và khi đó thị trường chứng khoán mới có động lực để lên điểm trở lại, ông Minh nhận định.

Hai năm vừa rồi là hai năm bùng nổ của thị trường chứng khoán lại là 2 năm COVID, vậy yếu tố nào đã mang đến động lực cho thị trường? Dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phải quá xuất sắc so với trước đây nhưng vì tiền trong xã hội rất nhiều, người ta buộc phải tìm điểm đến cho nó cho nên giá tài sản đồng loạt tăng.

"Chu kỳ có lên sẽ có xuống, cái gì cũng sẽ phải xuống giá, từ vàng, bất động sản cho đến cổ phiếu, thậm chí cũng sẽ có giai đoạn điều chỉnh giá so với mức tăng trưởng trước đây", ông Minh dự báo.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE